Mùa Xuân đầu tiên của thập kỷ thứ hai thế kỷ XXI đến với chúng ta trong không khí xã hội được gọi là "bình thường mới". Khái niệm bình thường mới này hình thành từ cái bất thường kéo dài của đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới.
Phủ tràn mọi ngõ ngách
Đã thành thông lệ, mùa Xuân là mùa của chậm rãi, của tận hưởng để tái tạo năng lượng sống tích cực. Trong thực tế có những thời khắc sống chậm rất cần cho sự lắng đọng, suy tư và cảm nhận, nhất là sau bao cuồng nhiệt của guồng quay công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mùa Xuân này, bên cành mai, chung trà, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều có những cảm nhận riêng. Cảm nhận về đoàn viên, sum vầy. Cảm nhận về nỗi nhớ thương người thân còn lận đận xa xứ. Cảm nhận về một năm đầy những thảng thốt bàng hoàng trước thiên tai, dịch bệnh. Lãnh đạo có tâm thì trăn trở làm sao để khôi phục kinh tế, để đất nước phát triển. Người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp thì cầu mong sao đừng bị thất nghiệp. Lại có cả những chị bán hàng rong ngồi vuốt cho phẳng những đồng tiền lẻ như vuốt tiếng thở dài của đời mình. Hàng tỉ cảm nhận vui buồn như thể muốn quá sức dung chứa của đất trời. Nhưng dù buồn, dù vui, cảm thức về tình người, về lòng nhân hậu của người Việt mình, đặc biệt qua một năm vừa rồi dường như phủ tràn lên mọi ngõ ngách, lên từng mái ấm gia đình.
Lòng nhân, sự nhân hậu của người dân Việt Nam không phải là điều mới mẻ. Phẩm cách nhân hậu vốn là một thuộc tính làm nên bản sắc văn hóa rất đặc trưng của bao thế hệ trên dải đất hình rồng thiêng ngẩng đầu. Những em bé từ thuở nằm nôi đến bước nhỏ lẫm chẫm đến trường đều từng nghe, từng thấm những câu răn mình của tiền nhân "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", "Một nắm khi đói bằng gói khi no", "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"... để rồi mang tâm thái đó, các em sải bước vào đời. Cũng như sự tích trăm trứng đã để lại cho bao đời sau ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng "đồng bào".
Kẻ thù ngưỡng mộ
Bản chất của lòng nhân không có giới hạn trong mọi biên độ ý thức. Sự nhân hậu của người Việt Nam cũng không chỉ gói gọn trong "một giàn" hay "cả tàu" mà "thương người như thể thương thân". Sẵn lòng chung niềm vui, sớt chia đau thương trong đồng tộc, đồng bào nhưng cũng không lăn tăn khi cần khoan thứ lỗi lầm, kể cả với những người từng là kẻ thù.
Sau đại thắng quân Minh, Lê Lợi không chỉ tha cho đội quân thua trận hơn 10 vạn mà còn cung cấp ngựa xe, thuyền và lương thực để trở về nước. Vua Quang Trung đã cho mang xác Sầm Nghi Đống trả cho nhà Thanh đem về chôn cất và còn cho phép Hoa kiều xây đền thờ cúng trên đất Việt. Nhà thơ Việt Phương từng có câu thơ rung động lòng người khi nói về "chí nhân" của Bác Hồ "Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là "đánh đẹp"/ Con xóa chữ "đẹp" đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con/ Thêm hiểu lòng Người đối với quân thù như sắt thép/ Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn".
Lòng nhân hậu của người Việt Nam có thể nói là chí nhân, khiến cho giặc ngoại xâm dù thua cũng phải ngưỡng mộ. Để thoát khỏi sự vây hãm của những cơn trầm cảm, ác mộng và sang chấn tâm lý, rất nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam. Trở lại mảnh đất đầy bom đạn và đớn đau khi xưa mà chính họ là những kẻ đi gieo rắc tội ác, để gột rửa tâm hồn, tìm ý nghĩa sống tiếp. Richard Parker - một cựu binh Mỹ - từng chia sẻ cách duy nhất để ông "gột rửa" được chính mình là trở lại Việt Nam. "Ở đây (Việt Nam), tôi tìm thấy sự yên bình. Người Việt Nam thể hiện sự tôn trọng đối với tôi thậm chí còn hơn cả những gì tôi nhận được khi là một cựu chiến binh ở Mỹ". "Lấy chí nhân để thay cường bạo" (Nguyễn Trãi), "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại", chính lòng nhân hậu, khoan thứ của người dân Việt Nam đã hàn gắn cho bao đau thương, mất mát, tái tạo cho bao cuộc đời.
Mạch nguồn chảy mãi
45 năm từ sau ngày giải phóng, lòng nhân hậu cứ chảy mãi, là điểm tựa vững chắc để người Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại. Các phong trào Nhà tình nghĩa - Nhà tình thương, Xóa đói giảm nghèo, các đợt vận động Vì người nghèo, vận động cứu trợ người dân bị thiên tai bão lũ... do nhà nước phát động luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. Hàng triệu căn nhà tình nghĩa suốt mấy chục năm qua đã ủ ấm bao cuộc đời từng mất mát, hy sinh. Sự đùm bọc sẻ chia từ vật chất đến tinh thần cho những người còn nhiều khốn khó để nương tựa nhau bước tiếp, để lá rách lại lành luôn thường trực trong đời thường.
Đặc biệt, năm 2020 vừa qua, một năm đầy những biến động khi đại dịch Covid-19 bùng phát rồi lan rộng toàn thế giới cộng với tình trạng lũ chồng lũ, bão nhồi bão gây ra biết bao đau thương, mất mát. Chính lòng nhân hậu trong mỗi người dân Việt Nam đã tự phát động cho chính mình chứ không chần chờ trong trận chiến khốc liệt với thiên tai dịch họa lần này.
Khi cả đất nước phải gồng mình chống dịch, cây "ATM gạo", ý tưởng của anh Hoàng Tuấn Anh ra đời tại TP HCM trong sự ngỡ ngàng và sau đó lan tỏa đến nhiều thành phố khác. Hàng ngàn tấn gạo của người dân góp cho các cây ATM ấy đã phần nào xoa dịu nỗi lo, trấn an lòng người. Biết bao sáng kiến của người dân nảy sinh trong tình hình hết sức đặc thù, đem sự ấm áp tình người san sẻ cho nhau trong những ngày phong tỏa, những khu vực cách ly, thể hiện tinh thần tương thân tương ái vô bờ bến. Việc Việt Nam khống chế được đại dịch hung hiểm và những sáng kiến, hành động đầy nhân ái của người dân đất nước này khiến thế giới phải nể phục.
Rồi cơn bão lũ liên tiếp dội vào núm ruột miền Trung. Nước lụt trắng xóa đất trời. Cơn này chưa qua, mẹ thiên nhiên giận dữ lại nhồi tiếp cơn khác. Núi sạt, đất lở, người chết. Những mái nhà giương chóp cầu cứu trên biển nước mênh mông. Xót xa, đau đớn chính là tâm thái của người dân khắp mọi miền đất nước. Những hình ảnh người dân lăn xả vào vùng lũ lụt để cứu người, cứu đói bất chấp hiểm nguy xuất hiện hằng ngày, hằng giờ trên mạng xã hội. Kẻ góp công, người góp của, cả những người Việt xa xứ cũng hướng về quê hương bằng hành động cụ thể. Thế trận lòng dân ngời ngời ánh sáng nhân hậu trong cuộc chiến chống thiên tai.
Năm 2020 qua đi. Khép lại một năm đâu dễ khép lại nỗi lo. Đại dịch còn đó, thiên tai cũng chẳng bao giờ ngừng. Những bất trắc trong đời người nếu tránh được đã không gọi là bất trắc. Nhưng khi tâm ta thiện, trao yêu thương để cùng nhận lại yêu thương thì sẽ vượt qua hết thảy. Có những giá trị xã hội thay đổi cùng thời gian nhưng lòng nhân hậu thì còn mãi.
Bình luận (0)