Sáng 30-10, đại biểu (ĐB) Quốc hội Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết trách nhiệm của bộ trưởng trong việc đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đạo đức gia đình.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh đây là vấn đề rất khó trả lời. Tại kỳ họp lần trước, ông đã trả lời câu hỏi này và đến nay, sự xuống cấp của đạo đức xã hội vẫn diễn biến phức tạp.
Về giải pháp, Bộ trưởng Thiện nêu rất dài, tựu trung lại là phải làm từng bước, quyết liệt, mạnh mẽ hơn và đề nghị toàn xã hội vào cuộc. Bởi vì gốc của vấn đề vẫn là kinh tế. "Chúng tôi cũng rất trăn trở nhưng nếu một mình ngành văn hóa hoặc một số ngành loay hoay thế này thì rất khó" - ông Thiện nói.
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) khẳng định "phú quý sinh lễ nghĩa" nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không mua được đạo đức xã hội. Trước đây, chúng ta nghèo, rất khó khăn nhưng đạo đức xã hội vẫn được duy trì, văn hóa rất tốt. Bây giờ, chúng ta thoát nghèo, thu nhập trung bình thì vấn đề nền tảng đạo đức của xã hội đang bị xuống cấp một cách trầm trọng.
ĐB Tuấn cho rằng tiên học lễ, hậu học văn nhưng chúng ta học quá nhiều văn mà không quan tâm đến lễ. Chúng ta học quá nhiều chữ trước khi dạy các em, các cháu thành người. Đây chính là điều quan trọng để đạo đức xã hội xuống cấp.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dẫn con số trong 3 năm qua, ngân sách cấp cho bảo tồn di sản phi vật thể cấp qua bộ chỉ 7,3 tỉ đồng. "Có thể nói dành cho ngành văn hóa rất ít" - ông than phiền và cho rằng nếu không có những giải pháp đồng bộ, đến nhiệm kỳ sau, ai làm bộ trưởng cũng sẽ tiếp tục bị chất vấn về vấn đề đạo đức xã hội.
Trả lời chất vấn của ĐB về tinh gọn bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết từ tháng 7 đến nay, tổ kiểm tra công vụ của Chính phủ đã kiểm tra 12 đơn vị gồm 8 tỉnh, 4 bộ ngành. Tổ kiểm tra công vụ đã kiến nghị xử lý một số trường hợp vi phạm. Đồng thời đề nghị đơn vị tự khắc phục vấn đề đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng không đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.
Không đồng tình, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tranh luận: "Trong các trường hợp Bộ Nội vụ kiểm tra xử lý, tôi rà từ trên xuống dưới thấy rằng việc duy nhất là rút kinh nghiệm. Tình trạng này cho thấy xử lý không nghiêm đối với cán bộ".
Phó trưởng Ban Dân nguyện dẫn ví dụ sự việc ở tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Ngô Văn Tuấn vào chức Tổ trưởng Tổ Công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo quy hoạch phát triển đô thị và nhà ở. Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, người ta cảm giác trong xử lý cán bộ, "bên trên nói nghiêm trọng nhưng bên dưới xử lý như kiểu tặng quà".
"Như thế là không nghiêm và không nên. Cán bộ không đủ phẩm chất phải đưa ra khỏi bộ máy. Đảng ta cũng muốn làm trong sạch bộ máy. Nếu xử lý như thế là đánh bùn sang ao, cử tri và người dân không tin tưởng. Đề nghị bộ trưởng nghiên cứu thực hiện vấn đề này nghiêm túc" - ĐB Nhưỡng bày tỏ.
Bình luận (0)