Ngày 27-10, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội với nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng.
1 triệu doanh nghiệp: Bất khả thi!
Đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng báo cáo của Chính phủ "hơi quá lạc quan" về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Dù giai đoạn 2016-2018 tốc độ tăng trưởng khoảng 6,57%/năm nhưng việc đạt 6,5%-7% cho cả giai đoạn 2016-2020 là thách thức rất lớn. Ngoài ra, việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát "khoảng 4%" thay cho "dưới 4%" trong năm 2019 cũng là vấn đề đáng lo ngại.
"Nếu lạm phát là 4,1%, 4,2% thì có thể chấp nhận được nhưng 4,3%, 4,4% hay 4,5% thì có thể coi là hoàn thành nhiệm vụ không? Sẽ khó bảo đảm thực hiện mục tiêu của QH là đưa lạm phát về dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ này" - ông Lộc đặt vấn đề.
Đặc biệt quan tâm mục tiêu đầy thách thức là có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả vào 2020, ĐB Vũ Tiến Lộc đánh giá: "Trước đây, cố Thủ tướng Phan Văn Khải - vị Thủ tướng của Luật DN - đưa ra mục tiêu có 500.000 DN hoạt động hiệu quả vào 2010. Nhưng phải trễ hạn tới 6 năm mới thực hiện được. Liệu mục tiêu 1 triệu DN vào 2020 có thêm một lần lỡ hẹn? Mỗi năm phải có thêm ít nhất trên 200.000 DN mới ra đời, nhiệm vụ gần như bất khả thi".
Quan tâm đến vụ việc ông Nguyễn Cà Rê (Cần Thơ) đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng, luật sư - ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng đây là điển hình cho sự thiếu hụt quy định, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước khiến dư luận không đồng tình. Theo ông, việc ngăn chặn đô-la hóa thị trường cần phải thực thi nhưng vấn đề là cơ quan chức năng đã giúp người dân nhận diện nơi nào được cấp phép thu đổi chưa? "Thị trường buôn bán chuyển đổi ngoại tệ "đen" ngày đêm hoạt động công khai, hầu như không bị kiểm soát hoặc xử phạt. Mức phạt cũng phải được xem xét lại. Việc đổi 10 USD, 100 USD cùng mức phạt như đổi 1.000 hay 100.000 USD, đều từ 80-100 triệu đồng là không phù hợp" - ông góp ý.
Đau lòng khi người mẹ trẻ ném con đi
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, ĐB tỉnh Bắc Giang bày tỏ đau xót trước mặt trái của kinh tế thị trường đặt các gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức.
"Định hướng giá trị gia đình bị sai lệch; mối quan hệ gia đình lỏng lẻo; nhiều hội chứng tâm lý xã hội nảy sinh như trầm cảm, tự tử... Gia đình không còn là nơi an toàn, là điểm tựa cho các thành viên nên tệ nạn xã hội đã "hỏi thăm". Khoảng 60% vụ xâm hại trẻ em là từ người thân quen; 77% số vụ ly hôn xuất phát từ đánh đập, ngược đãi, rượu chè… Nhiều chị, nhiều cháu ở hoàn cảnh cùng cực, đáng thương hơn rất nhiều so với những nhân vật mà một số bộ phim truyền hình đang chiếu" - bà Hà dẫn chứng.
Để giải quyết, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề xuất tăng cường giáo dục gia đình; giáo dục tiền hôn nhân; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán trở về; hỗ trợ giải quyết khủng hoảng cá nhân... "Khi phụ nữ được chuẩn bị đầy đủ hành trang về kiến thức, kỹ năng, văn hóa, lối sống... thì không có những việc đau lòng như ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội), người mẹ trẻ ném con sơ sinh của mình đi" - ĐB Hà nói.
ĐB Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - bày tỏ sự đau lòng trước biểu hiện đạo đức xuống cấp. Từ vụ nữ sinh viên sinh con trong nhà vệ sinh rồi vứt bỏ và vụ thiếu niên 15 tuổi bình thản giết một sinh viên làm thêm vì thích chiếc xe tay côn của nạn nhân, ông Thắng tâm tư: "Những hành động này dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì chắc cũng có phần do thiếu hiểu biết pháp luật, xuống cấp lối sống, đạo đức".
Theo ông, việc đánh giá nguyên nhân và giải pháp khắc phục những biểu hiện này còn chưa đủ. ĐB Thắng đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn thực trạng trên, đề xuất giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát triển văn hóa con người.
ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nêu tình trạng còn nhiều mảnh đời, gia đình khó khăn, thậm chí bế tắc trong cuộc sống dẫn đến phải tự tử, như trường hợp gần đây ở Hà Tĩnh. Ngoài ra, tình trạng mất trật tự an ninh ở khu vực nông thôn; những dạng tội phạm mới như tín dụng đen, ma túy, xâm hại trẻ em… đang diễn ra ở những nơi được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới!
Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ QH, lưu ý 70% các loại tội phạm xuất phát từ ma túy. "Ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Xuất hiện nhiều loại ma túy mới, tính chất rất mạnh, cực độc, khó phát hiện, tác hại lớn. Đề nghị trang bị thiết bị phát hiện sớm để phòng ngừa, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân" - bà Hải nhấn mạnh.
8 nhóm giải pháp nâng năng suất lao động
ĐB Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư Thành ủy TP HCM) nhận định năng suất lao động của Việt Nam tuy thấp hơn nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng khoảng cách đang ngày càng thu hẹp.
Ông góp ý 8 nhóm giải pháp cải thiện năng suất lao động: Một là, nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất. Hai là, xác định mô hình sản xuất phù hợp. Ba là, đồng bộ 3 khâu sản xuất, bao gồm thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Bốn là, thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình DN. Năm là, quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt chú trọng kích cầu trong nước. Sáu là, nâng cao trình độ người lao động. Bảy là, đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng. Tám là, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân, vì dân.
Bình luận (0)