Theo quyết định số 41 ngày 1-7 của Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, chấm dứt hoạt động của Thời báo Kinh tế Việt Nam kể từ ngày 15-7-2020.
Ban lãnh đạo của Thời báo Kinh tế Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch giải thể đơn vị theo đúng quy định của pháp luật, các văn bản quy định của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Điều lệ của Thời báo Kinh tế Việt Nam, trình Ban Thường vụ Hội thẩm định trước ngày 31-7.
Trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam tại Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung
Về kế hoạch giải thể, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam yêu cầu Thời báo Kinh tế Việt Nam thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người lao động theo đúng pháp luật, hợp đồng, thỏa thuận lao động; hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước với tư cách Thời báo Kinh tế Việt Nam là đơn vị trực thuộc Hội; thanh toán hết công nợ đối với đối tác, lập báo cáo quyết toán tài chính gửi Ban Thường vụ Hội. Kiểm kê tài sản, lập phương án chuyển giao, thanh lý, xử lý… theo đúng quy định.
Đối với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước (đất đai) và tập thể (thương hiệu, máy móc trang thiết bị…) được tạo lập bằng quyền, uy tín, công sức và vốn tích lũy của Hội và của báo trong quá trình hoạt động phải lập hồ sơ với đầy đủ chứng từ, đề xuất phương án xử lý trình Ban Thường vụ Hội thẩm định.
Bên trong trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam sáng 16-7, một ngày sau khi chấm dứt hoạt động - Ảnh: Ngô Nhung
Đối với các dự án góp vốn cổ phần, quỹ, cam kết hay ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh giữa báo với các đối tác trong và ngoài, báo cáo kết quả hoạt động và kiểm toán cho tập thể những người góp vốn; xác định rõ cổ phần hiện có của các bên; giải trình về phương án chuyển đổi nhằm tiếp tục hoạt động hay giải thể; thảo luận và lấy ý kiến biểu quyết tập thể.
Sau khi hoàn thành kế hoạch giải thể, tiến hành các công tác xử lý, hoàn thành chậm nhất vào ngày 30-8. Thời báo Kinh tế Việt Nam bàn giao tài sản công hữu và tập thể cho Hội; nộp báo cáo và hồ sơ giải thể cho Văn phòng Hội.
Bên trong trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam sáng 16-7 - Ảnh: Ngô Nhung
Trong thời hạn đến ngày 30-8, Thời báo Kinh tế Việt Nam được tiếp tục sử dụng tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản để thực hiện các công việc giải quyết chính sách, chế độ đối với người lao động, xử lý công nợ, đàm phán điều chỉnh hay chấm dứt các hợp đồng và các công việc khác liên quan tới việc giải thể đơn vị.
Kể từ ngày 1-9, Thời báo Kinh tế Việt Nam hoàn tất các thủ tục giải thể đơn vị và chấm dứt mọi hoạt động với tư cách đơn vị trực thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
Trước đó, ngày 20-6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép hoạt động báo chí của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam.
Ngày 26-6, Bộ có quyết định thành lập tạp chí Kinh tế Việt Nam với cơ quan chủ quản là Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Tạp chí Kinh tế Việt Nam hoạt động trên cơ sở kế thừa một phần của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã không triển khai quyết định này theo kế hoạch về quy hoạch báo chí mà ra quyết định giải thể tờ báo.
Thời báo Kinh tế Việt Nam được thành lập từ năm 1991. GS Đào Nguyên Cát (94 tuổi) là Tổng biên tập của Thời báo Kinh tế Việt Nam từ khi thành lập tới khi giải thể.
Bình luận (0)