Những nghi ngại về công nghệ và kiểu dáng sản phẩm ôtô "made in Vietnam" đầu tiên đã lần lượt được Vinfast xua tan, bắt đầu từ Paris Motor Show ở Pháp hồi đầu tháng 10 với Sedan Lux A2.0 và SUV Lux SA2.0 định vị ở phân khúc cao cấp, được dân chơi xe thế giới trầm trồ ngợi khen; tiếp đó là giá bán công bố hôm 20-11 với chính sách ưu đãi "3 không": Lux A2.0 800 triệu đồng, Lux SA2.0 1,136 tỉ đồng và Fadil (xe cỡ nhỏ) 336 triệu đồng. Vinfast cho biết sau giai đoạn bán ưu đãi, giá xe sẽ trở lại đúng mức thị trường của nó.
Chất lượng xe Vinfast ra sao, còn phải chờ đến tháng 9 sang năm, khi những chiếc xế hộp của thương hiệu này bắt đầu lăn bánh. Nhưng đến thời điểm này, có thể nói ngay rằng Vinfast của Tập đoàn đa ngành Vingroup đã thu hoạch nhiều thành công bước đầu, chẳng hạn như chinh phục được cảm tình của khách hàng, tạo cơn khát và kịp giải cơn khát cho người có nhu cầu sắm ôtô, xây dựng và củng cố được niềm tin về chất lượng, kiểu dáng, giá bán... cơ bản phù hợp với người Việt Nam.
Yếu tố cốt lõi dẫn tới thành công đó chính là đánh trúng vào niềm tự hào Việt. Đã hàng chục năm, Việt Nam là thị trường tiêu thụ ôtô "béo bở", người Việt mê xe và không tiếc tiền chi mua ôtô, kể cả các dòng xe siêu sang cũng không ngại. Song song đó, họ mong ngóng có một thương hiệu ôtô do người Việt làm chủ ra đời, có chất lượng sánh ngang với bè bạn năm châu và giá bán vừa túi tiền người tiêu dùng trong nước.
Giấc mơ ấy không hề ngắn, đã hơn 20 năm kể từ khi chiến lược công nghiệp ôtô Việt Nam của Chính phủ được công bố. Trong khoảng một phần tư thế kỷ, chiến lược ấy lên bờ xuống ruộng và có thời điểm ngành công thương đã thừa nhận thất bại. Và cũng trong chừng đó thời gian, một số nhà lắp ráp và kinh doanh ôtô trong nước như Vinaxuki, THACO, Hyundai Thành Công đã nỗ lực đổi mới và sáng tạo không ngừng để có ôtô "made in Vietnam" nhưng rồi khát vọng đó cũng chưa thể bùng cháy, chỉ dừng lại ở lắp ráp là chính hoặc nhập xe về bán, riêng cái tên Vinaxuki đã phải "dừng bước giang hồ".
Trong khi đó, người Việt phải mua ôtô với giá rất cao, cao một cách vô lý. Nay, khi các dòng xe từ nước ngoài đổ sang càng nhiều với mức thuế bằng 0 (theo các hiệp định thương mại tự do), chiến lược công nghiệp ôtô Việt Nam vốn đã chẳng có gì giờ càng mất động lực để làm mới, hay nói cách khác là không thể cựa quậy được nữa.
Kể ra nỗi đoạn trường như thế của công nghiệp ôtô Việt Nam để thấy rằng tư duy và hành động của ông chủ Tập đoàn Vingroup là rất đáng nể và đáng khen. Không ít ý kiến cho rằng xe Vinfast chẳng có yếu tố Việt Nam bởi công nghệ Đức, thiết kế Ý…, có gì mà tự hào?! Nên nhớ rằng công nghệ Đức và thiết kế Ý ấy đã hoàn toàn được Vingroup mua lại bằng tiền tươi thóc thật. Kế thừa và đi tắt đón đầu cũng là giải pháp khôn ngoan vậy! Có nhiều người siêu giàu nhưng đâu phải ai cũng làm được như thế, thiếu quyết tâm cao độ và thiếu lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt thì không làm được.
Hãy thêm yêu hàng Việt và trân quý những nỗ lực của người Việt Nam mình!
Bình luận (0)