Đáng buồn là những câu chuyện bức bối như trên đang diễn ra hằng ngày và ở bất cứ nơi đâu. Một cậu học trò hiếp đáp, đánh bạn ngoài cổng trường dù chẳng có lý do chính đáng gì. Một thanh niên đánh người khác chỉ vì va quệt giao thông. Những người trong đội trật tự đô thị còng tay một đứa trẻ trong một vụ cưỡng chế nhà... Tất cả đã trở nên bình thường rất khó hiểu trong một xã hội đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.
Hành hung người khác thoạt nhìn tưởng đơn giản chỉ là sự mất kiểm soát hành vi trong một thời điểm. Nhưng hành vi này đặt vào cộng đồng thì cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần có điều kiện bộc phát và sẵn hung khí trong tay, nó trở thành nguyên nhân của rất nhiều vụ án mạng nghiêm trọng. Đáng thất vọng là những biện pháp ngăn ngừa các hành vi tương tự đã có từ lâu nhưng đã bị xem nhẹ.
Điều chỉnh hành vi trước tiên phải từ trong môi trường giáo dục: Giáo dục từ gia đình, nhà trường và đến xã hội. Nhiều bậc phụ huynh luôn muốn con mình mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác nhưng lại bằng sức mạnh và sự hiếp đáp. Bởi vậy, khi chúng giành đồ chơi của trẻ khác, thường được im lặng, thậm chí là khuyến khích. Bài học đứa trẻ nhận được là bỏ qua lý lẽ, chỉ cần sử dụng bạo lực khi cần.
Trong môi trường giáo dục nhà trường, học sinh thường được học lý thuyết suông về đạo đức, điều chỉnh hành vi nhưng thiếu biện pháp chấn chỉnh, xử phạt. Càng tệ hơn là trong một số trường hợp, phụ huynh thường đứng về phía con mình dù chúng sai trái. Minh chứng về hậu quả của việc này không quá xa lạ, "hiệu ứng sợ bạn học" diễn ra khắp môi trường học đường. Gần đây nhất là một cậu học trò ở Hà Tĩnh đâm gục bạn học bằng 2 nhát dao. Xa hơn, một cậu học trò khác ở Quảng Bình đã đâm gục thầy mình ngay cổng trường...
Môi trường xã hội thì ngày càng bất an. Xô xát, thậm chí truy sát nhau bởi những lý do rất cỏn con diễn ra hằng ngày. Những lẽ phải rất ít được tôn trọng mà thường bị phủ lấp bằng sức mạnh và sự côn đồ. Hôm 10-5, chỉ vì chưa hiểu nhau về việc định mức đổ xăng, một gã bặm trợn bắt nhân viên và quản lý cửa hàng xăng ở Quảng Ninh phải quỳ gối và đánh vào mặt. Trong môi trường đâu đâu cũng gặp cảnh "cá lớn nuốt cá bé" thì khi có điều kiện, ai cũng dễ dàng chọn mình làm "cá lớn".
Tính giáo dục của pháp luật chính là sự răn đe. Trừng phạt nghiêm khắc chính là liều thuốc hữu hiệu cho thói côn đồ. Vấn đề này các nước khác đã làm rất nghiêm. Ở Nhật, Hàn Quốc, Singapore..., hành hung người khác chắc chắn phải đi tù. Ở Mỹ, tấn công người khác sẽ có cảnh sát can thiệp, nếu cầm hung khí thì rất dễ lãnh một phát đạn. Còn ở ta, côn đồ ở nhiều cấp bậc xã hội không ít khi lấp liếm hành vi của mình chỉ bằng một cuộc hòa giải mà nạn nhân không dám từ chối.
Bình luận (0)