xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thong thả mua sắm Tết

NGỌC ÁNH - PHƯƠNG AN

Dù chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng sức tiêu thụ hàng hóa tại TP HCM vẫn chưa như mong đợi của giới kinh doanh

Trong khi người bán sốt ruột vì lượng hàng hóa tiêu thụ chậm thì người tiêu dùng vẫn chưa vội vì không lo thiếu hàng. Các điểm bán nghỉ Tết thời gian ngắn nên cũng không cần tích trữ hàng.

Tìm hiểu, dùng thử sản phẩm

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 14-1 (23 tháng chạp), các chợ truyền thống tại TP HCM có khá đông người đến mua sắm để cúng ông Công, ông Táo. Giá một số loại trái cây được chọn để cúng nhiều bị đẩy lên cao như: quýt tiều, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh... từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Thông tin từ chợ đầu mối Thủ Đức cho biết lượng hàng về chợ đêm 13, rạng sáng 14-1 đạt 3.521 tấn, tăng gần 11,7% so với hôm trước. Riêng trái cây về chợ đạt 1.650 tấn, tăng 65% so với cách đây 2 ngày. Một số mặt hàng cúng được chọn mua nhiều như: đu đủ, thanh long, bưởi da xanh còn cành nên tăng giá 2.000 - 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bưởi da xanh không cành vẫn ổn định ở mức 20.000 đồng/kg. Riêng quýt về ít, bán chạy nên giá tăng nhiều, từ 35.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg.

Thong thả mua sắm Tết - Ảnh 1.

Người tiêu dùng thong thả mua sắm hàng Tết vào ngày 14-1. Ảnh: NGỌC ÁNH

Cùng ngày, tại khu vực trung tâm TP HCM, 2 phiên "chợ Tết" đã khai mạc, đều nằm trong khuôn viên các cơ quan nhà nước thuộc ngành nông nghiệp. Hai phiên chợ này giới thiệu các đặc sản vùng miền, nông sản chất lượng cao có chứng nhận.

Tại phiên chợ "Tết Xanh - quà Việt xuân Quý Mão 2023" trên đường Phùng Khắc Khoan, quận 1, người tiêu dùng ngoài việc mua sắm còn "chơi Tết" với những trò chơi dân gian và các góc chụp hình "check-in". Phiên chợ này có nhiều đặc sản như: thịt trâu, thịt heo gác bếp - đặc sản từ cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang với giá lần lượt 800.000 và 500.000 đồng/kg, được nhiều người thích thú mua thử. Các đặc sản được ứng dụng công nghệ để tiện lợi trong sử dụng như: cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho riềng… của Công ty CP K Products; các loại nem, bò lá lốt Ông Ù... cũng được người tiêu dùng mua dùng dịp Tết.

Tại phiên chợ "Tết tươi xanh - Quà ngọt lành chào đón xuân Quý Mão" do Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) tổ chức trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, người tiêu dùng cũng mua sắm thong thả. Họ có nhiều thời gian để tìm hiểu, dùng thử sản phẩm trước khi chọn mua.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, chú trọng vấn đề sức khỏe khi mua sắm thực phẩm. "Giá cả là một phần nhưng không phải tất cả. Nhiều mặt hàng có giá rất rẻ nhưng chất lượng kém thì không bán được. Người tiêu dùng giờ mua sắm rất chọn lọc" - bà Vũ Kim Hạnh đánh giá.

Không lo thiếu hàng

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ba Huân, cho biết so với Tết năm ngoái, sức mua năm nay mạnh hơn nhưng chưa bằng những năm trước dịch COVID-19.

"Những món mới có chất lượng, ngon, giá hợp lý vẫn bán tốt, như lạp xưởng gà quay của Ba Huân. Tình hình chung là hàng năm nay đáp ứng từ đủ tới dư so với nhu cầu tiêu dùng" - bà Phạm Thị Huân nhận định.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), sức tiêu thụ các mặt hàng chế biến của công ty đã nhích lên trong vài ngày trở lại đây. Dù vậy, sức mua mặt hàng thịt heo tươi sống vẫn chưa tăng rõ nét.

Tình trạng cận Tết nhưng hàng hóa tiêu thụ chậm, nguy cơ tồn kho cao cũng đang là nỗi lo chung của nhiều DN bình ổn thị trường mùa Tết tại TP HCM. Trước Tết 3 tháng, các DN đã chuẩn bị lượng hàng lớn theo kế hoạch thành phố giao và có dự phòng trường hợp thị trường có biến động. Nay sức mua chậm hơn kế hoạch, DN tồn đọng lượng hàng lớn nên phải tính toán lại cách xử lý.

Trong khi đó, đến sáng 14-1, một số hệ thống siêu thị ghi nhận lượng khách đông hơn hôm trước. Tại Co.opXtra Linh Trung, khách chủ yếu vẫn mua thực phẩm, đồ dùng hằng ngày, đồ cúng đưa ông Táo... chứ chưa sắm quần áo, đồ trang trí Tết.

"Siêu thị đã bố trí thêm 5 quầy thu ngân, sẵn sàng mở thêm quầy thu ngân tăng cường trong trường hợp khách quá tải. Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường một xe tải giao hàng, hạn chế dồn ứ đơn hàng gây bất tiện cho khách" - đại diện Co.opXtra cho biết.

Theo các đơn vị kinh doanh, sức mua chậm một phần do nhiều công ty, đơn vị chưa có thưởng Tết. "Kinh nghiệm cho thấy những năm người tiêu dùng sắm Tết trễ thì sức mua sẽ dồn vào những ngày cuối. DN đang tính toán triển khai thêm chương trình khuyến mãi để tạo điều kiện cho người tiêu dùng sắm Tết, vừa chia sẻ khó khăn với khách hàng vừa đẩy hàng ra thị trường" - đại diện một hệ thống bán lẻ cho hay. 

Giảm giá sớm để tránh tồn kho

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cũng nhận xét sức mua cận Tết năm nay chậm kỷ lục so với cùng thời điểm những năm trước. "Tôi vừa ký công văn gửi các hệ thống siêu thị, đề xuất áp dụng giảm giá sâu 2.000 đồng/chục đối với trứng gà và 1.000 đồng/chục đối với trứng vịt từ ngày 16-1 (25 tháng chạp) thay vì 20-1 (29 tháng chạp) như kế hoạch. Đây là lần đầu tiên Vĩnh Thành Đạt phải giảm giá sâu dài ngày trước Tết để giải quyết tồn kho, nếu không thì hàng hóa tồn kho sẽ rất lớn, DN không xử lý được" - ông Thiện nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo