Ông tổng giám đốc VOV không tiết lộ số tiền mà nhà đài phải bỏ ra để có bản quyền ASIAD 2018, song cho biết dưới 1,5 triệu USD, tức là dưới 30 tỉ đồng. Mức giá này khó có thể nói là quá đắt cho toàn bộ bản quyền giải đấu thể thao lớn nhất châu lục 4 năm diễn ra một lần, càng không thể nói là tới mức không thể mua nổi.
Giá bản quyền mà KJSM World Corp "hét" với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) rồi VOV là bao nhiêu? Chắc chỉ những người trong cuộc mới rõ. Tất nhiên, giá chào bán với VTV và VOV rất có thể sẽ khác nhau bởi thời điểm mua và đối tác đàm phán khác nhau. Vì thế, bản quyền ASIAD 2018 đắt hay không đắt là câu chuyện dài khó có hồi kết.
Được thưởng thức các sự kiện thể thao lớn, hấp dẫn trên thế giới cũng như ở khu vực, đặc biệt là môn thể thao vua hay những môn thể thao mang lại thành tích đặc biệt cùng niềm tự hào dân tộc, là một nhu cầu chính đáng của người dân. Nhu cầu này phải được bảo đảm và đáp ứng ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép. Bên cạnh đó, việc truyền hình hoặc tường thuật trực tiếp cũng có thể là cách "tiếp lửa" thêm cho các vận động viên Việt Nam tranh tài tại ASIAD bởi đứng đằng sau họ là hàng triệu người hâm mộ dõi theo, cổ vũ mà trong đó chắc chắn có những người thân yêu nhất trong gia đình.
Việc VTV không mua được bản quyền ASIAD 2018 đã khiến không ít người hâm mộ đã phải tìm mọi cách để có thể theo dõi, cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Olympic. Rất nhiều người đã chấp nhận tìm kiếm các link lậu xem. Làm cho bản quyền thể thao trở thành vấn đề thêm quan ngại trên cả nước thì số tiền mà VOV bỏ ra là đắt hay rẻ?
Là một đơn vị tự chủ về tài chính, VTV tất nhiên luôn phải coi trọng vấn đề cân đối tài chính. Song, cũng cần thấy VTV cũng có phần trách nhiệm phục vụ người dân và cộng đồng. Chưa kể một phần ngân sách nhất định, họ còn được trao những thứ tài nguyên giá trị như đất đai sử dụng và đặc biệt là tài nguyên mang tên "đài truyền hình quốc gia".
Giá cả bản quyền thể thao, nhất là những sự kiện hay giải đấu hấp dẫn, ngày càng trở thành một vấn đề lớn khi liên tục gia tăng. Nhưng đó là một thực tế mà thế giới, bao gồm cả Việt Nam, phải đối mặt và tìm cách giải quyết. Vì sao Việt Nam là quốc gia và vùng lãnh thổ cuối cùng trên thế giới mua bản quyền World Cup 2018 vừa qua, và không mua được bản quyền ASIAD 2018 với cái lý do "quá đắt"? Sử dụng những nguồn lực, tài nguyên của đất nước và người dân, VTV cần phải có trách nhiệm giải trình một cách thuyết phục.
Chừng nào chưa có sự giải trình thuyết phục cùng giải pháp từ cơ quan sử dụng những nguồn lực và tài nguyên quốc gia như VTV, công chúng cả nước có thể sẽ lại phải "thót tim" như với bản quyền World Cup 2018 và "đau tim" như với bản quyền ASIAD 2018 trong các sự kiện thể thao lớn thu hút sự quan tâm rộng rãi trong tương lai.
Bình luận (0)