Mờ sáng, tại khu neo đậu Vĩnh Phước, trên sông Cái ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) tiếng cười nói của ngư dân đã làm rộn rã cả mặt nước. Sau thời gian chuẩn bị, kiểm tra lại tàu, gần trưa thì tàu chúng tôi nhổ neo, hướng thẳng ra vùng biển Trường Sa.
Ra khơi câu mực ở biển Đông
Phải nói trước tàu cá lên đênh trên biển, 450 mã lực số hiệu KH-99766-TS mà chúng tôi đi cùng ra khơi là tàu chuyên câu cá bò gù (cá ngừ đại dương) to lớn. Nhưng để câu được những con bò gù giá trị này thì trước tiên phải câu được những con mực to, khoẻ rồi lấy mực này để làm mồi câu cá bò gù.
Sau hai ngày và một đêm liên tục di chuyển trên biển, khoảng 16 giờ chiều ngày thứ 2, tàu chúng tôi đã ở cách xa đất liền hàng trăm hải lý, máy định vị báo độ sâu là 1.300 mét. Thấy vậy, thuyền trưởng Trần Khắc Thạch (SN 1979, trú TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) dừng tàu, chuẩn bị cho đêm câu.
Trong lúc tàu di chuyển thì chú Trần Quang Minh (SN 1965) và Đỗ Văn Uỷ (SN 1986) tranh thủ làm lưỡi câu mực từ hàng chục thanh thép mài nhọn, những thanh thép này được uốn khéo léo rồi cùng kết lại với nhau dưới thanh sắt lớn có dây câu.
Làm lưỡi câu mực
Lưỡi câu mực làm từ những thanh thép nhọn
Trên biển trời tối nhanh, mới 18 giờ mà bóng tối đã đổ ập xuống, bao trùm cả mặt biển. Lúc này, thuyền trưởng Thạch nổ máy để cho dàn đèn cao áp 1000W sáng chói chiếu xuống mặt biển, dụ mực.
Đèn vừa lên thì cậu em Lê Tấn Vũ (Còn gọi Vũ "em", SN 1995) xuống hầm đá mang những quả dưa dưa chuột ra nạo sạch vỏ rồi thái nhỏ thành khoanh. Sau đó, mọi người lấy số dưa leo đã thái này gắn vào lưỡi câu mực để làm mồi câu. Thấy tôi làm lạ, anh Vũ "em" trả lời: "Loài mực ăn thịt lẫn nhau. Do chưa có mực tươi để làm mồi nên lấy tạm dưa chuột. Khi thả xuống nước, dưa chuột này nhìn giống như con mực đang bơi vậy là mực thật lao tới ăn" – Vũ "em" giải thích.
Lấy dưa dưa chuột để làm mồi câu mực
Mọi người chia ra các góc tàu để câu
Sau khi câu được mực thật thì dùng chính con mực này để làm mồi câu
Con mực đã bị thái thành những mảnh nhỏ làm mồi câu
Mồi câu mực được ghép từ những miếng thịt mực
Sau khi mắc mồi, mỗi người chia ra một góc tàu để câu. Câu mực cũng khá đơn giản, chỉ cần cầm sợi dây câu quăng ra xa ngoài mặt biển tầm hơn 30 mét, khi sợi dây câu chìm dưới nước thì dùng tay kéo nhẹ để mồi câu dưới nước chuyển động như là con mực đang bơi.
Chỉ sau một lúc câu bằng dưa chuột, nhiều con mực ham mồi đã mắc câu và được kéo lên. Vừa qua khỏi mặt nước con nào con đấy bắn mực ra tứ tung như để thoát thân. Có mực thật, những ngư dân lấy những con nhỏ móc thẳng vào lưỡi câu, còn mực to thì thái nhỏ thành miếng rồi thay cho mồi câu bằng dưa chuột ban đầu.
Một con mực ham mồi đã bị mắc câu
Thay mồi xong, Vũ "em" và chú Minh mang theo một lô hộp nhựa và nước ngọt xuống thuyền thúng để ra xa tàu để câu. Theo các ngư dân, ở trên thuyền chiếu đèn sáng nhiều loài cá như cá heo cũng đến để săn mồi, như vậy mực sẽ sợ mà bỏ chạy. Lúc này phải xuống thuyền thúng, mang theo đèn nháy rồi câu mực thì sẽ được nhiều hơn.
Lấy mực thật làm mồi quả thật câu "nhạy" hơn nhiều. Những chú mực tươi đỏ au liên tục dính câu rồi kéo lên thuyền. Cũng có con đã kéo lên khỏi mặt nước rồi vẫn vùng vẫy và tuột khỏi lưỡi câu rơi xuống mặt nước thoát thân.
Thấy mực đã nhiều, anh Ủy lấy cuộn dây câu lớn có gắn chùm lưỡi to như cái chén ăn cơm rồi chọn con mực to nhất mắc vào làm mồi. Thấy tôi nhìn đầy vẻ tò mò anh liền nói: "Lưỡi này chỉ để câu mực "hoả tiễn". Đây là những con mực to như bình thuỷ tinh lớn, nặng hơn chục ký, thường sống sâu dưới đáy biển. Câu vậy thôi, nhưng không hi vọng nhiều bắt được loại mực này" – nói rồi anh Ủy quăng mồi, căng cho sợi dây câu sâu chừng 80 mét thì dừng lại nhấp dây câu.
Mực câu lên được tách riêng bằng các hộp xốp rồi thả chung trong bể
Nói về kinh nghiệm câu mực ở tàu này thì Lê Khắc Vũ (Vũ "anh" SN 1994) là số 1 vì luôn là người câu được nhiều mực nhất của tàu. Vũ "anh" bảo câu mực không khó, nhưng kéo cước phải đều tay và biết khi nào mực cắn câu. "Mực không ăn rồi lôi đi như cá nên khó biết hơn, khi kéo mà thấy dây câu nặng hơn một chút là biết mực đã cắn câu. Ngay lập tức phải kéo thật nhanh lên bờ, không được để chùng dây câu thì mực sẽ thoát ra ngay" – Vũ "anh" chia sẻ.
Mực sau khi câu dùng làm mồi để câu cá bò gù
Trái ngược với Vũ "anh", Trương Văn Tây (SN 1996) lại là người câu kém nhất ở tàu. Khi bị trêu thì Tây cười bảo: "Tính mình ăn to nói lớn, làm việc dứt khoát không được nhẹ nhàng khéo léo nên mực không ăn là đúng rồi".
Đáng chú ý, khi câu được mực thì những ngư dân phải bỏ riêng từng con vào hộp nhựa rồi mới thả chung trong thùng nước để mực không cắn, ăn thịt lẫn nhau.
Bình luận (0)