Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tất cả các bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành nên tiến triển lạc quan. Tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh nhân 19 (64 tuổi, ở Hà Nội) đã tỉnh táo, tiếp xúc được, không sốt. Bệnh nhân này đã âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. Đây cũng là bệnh nhân phải điều trị lâu nhất (45 ngày), can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) kéo dài.
Bệnh nhân nặng nhất hiện nay là phi công người Anh (bệnh nhân 91). TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết tình trạng bệnh nhân tạm ổn với các máy ECMO, lọc máu và biến chứng rối loạn đông máu cũng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, phổi của bệnh nhân vẫn trong tình trạng tổn thương nặng, chưa cải thiện. Kết quả siêu âm cho thấy toàn bộ phổi bên trái của bệnh nhân đông đặc và tình trạng tương tự ở 1/3 dưới phải. BV đang nỗ lực duy trì hệ thống ECMO ổn định, hạn chế không để xảy ra các biến chứng.
Hai bệnh nhân Covid-19 xuất viện ngày 18-4. Ảnh: Nguyễn Thạnh
Ngày 18-4, cả nước có thêm 3 bệnh nhân khỏi bệnh Covid-19 xuất viện (2 ca ở BV Dã chiến Củ Chi, 1 ca ở BV điều trị Covid-19 Cần Giờ, TP HCM). Như vậy, TP HCM chỉ còn 5 ca mắc Covid-19 đang điều trị. TS-BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV điều trị Covid-19 Cần Giờ, cho biết đây cũng là bệnh nhân cuối cùng được điều trị tại Cần Giờ khỏi bệnh. "Vui với kết quả, lạc quan với những tín hiệu tích cực nhưng không được lơ là, chủ quan. Toàn thể nhân viên y tế tại BV luôn trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu những ngày tiếp theo" - BS Quân nói.
Đáng chú ý, theo GS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi trung ương, Bộ Y tế đã giao BV phối hợp với một số đơn vị thử nghiệm tiêm vắc-xin BCG (ngừa bệnh lao) cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa vắc-xin lao và bệnh Covid-19.
Khoảng 800 cán bộ y tế ở BV Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội), BV Bệnh nhiệt đới TP HCM và một số BV khác sẽ tham gia nghiên cứu. Họ sẽ được chia làm 2 nhóm: một nhóm được tiêm BCG, một nhóm được tiêm vắc-xin khác không phải BCG. GS-TS Nguyễn Viết Nhung cho biết vắc-xin BCG có thể không làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 nhưng có thể tác động đến sự miễn dịch tự nhiên giúp đáp ứng miễn dịch tốt hơn. Nhưng đây chỉ là giả thiết, cần có thêm những đánh giá trên lâm sàng.
Với một số bệnh nhân người nước ngoài đã về nước, nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu xem trong số những bệnh nhân này, trường hợp nào đã tiêm BCG, nếu tiêm thì kháng thể với lao còn không, nếu còn thì ở mức độ nào để khi đối chiếu phân loại, trường hợp nào bệnh diễn biến nặng - nhẹ có thể cho ra kết quả nhanh bước đầu.
Tại Việt Nam, vắc-xin lao được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 1984. Trung bình mỗi năm có từ 1,5-1,8 triệu trẻ được tiêm ngừa vắc-xin BCG. Trên thế giới, hiện đã có ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vắc-xin BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi để đánh giá mối liên quan giữa vắc-xin BCG và bệnh Covid-19.
Bình luận (0)