Thông tin về kết quả qua 4 tháng triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM theo Nghị quyết 10/2020 của HĐND TP HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố, nhận định kết quả đạt được rất khả quan, bám sát nội dung đề án.
Chênh lệch giữa khai và nộp giảm
Cụ thể, từ 0 giờ ngày 1-4 đến hết ngày 18-8, thu phí bình quân mỗi ngày là 8,49 tỉ đồng, đạt 101,95% (so với đề án là 8,32 tỉ đồng/ngày). Còn số tiền thu thực tế bình quân mỗi ngày là 7,69 tỉ đồng, đạt 92,31% so với đề án và đạt 90,55% so với số tiền phải thu.
Từ 0 giờ ngày 1-8, số tiền thu phí được điều chỉnh, miễn, giảm theo Nghị quyết 07/2022 của HĐND TP HCM với mức giảm 29,4% so với Nghị quyết 10/2020 trước đó. Sau khi điều chỉnh, Sở GTVT nhận thấy hầu hết doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều có ý kiến đồng thuận, không phản ánh mức phí cao hoặc đề xuất miễn, giảm phí như trước. Từ thời điểm giảm đến ngày 18-8 đã thu 125,9 tỉ đồng.
Phương tiện lấy hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP HCM
Đến nay, có 52.482 doanh nghiệp đăng ký khai báo nộp phí và hầu hết đều chấp hành nghĩa vụ. "Tuy nhiên, tỉ lệ tiền chưa nộp phí so với số tiền khai báo phí phải nộp chiếm khoảng 9,45%, ngoài ra còn 2,69% số tờ khai bị hủy" - ông Bùi Hòa An nói. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT, với các trường hợp này, Cảng vụ Đường thủy nội địa đang phối hợp với Cục Hải quan thành phố thực hiện đối soát và thông báo đến các doanh nghiệp chưa nộp phí yêu cầu thực hiện và đa số chấp hành khi được nhắc nhở. Từ đó, tỉ lệ trên đang có xu hướng giảm.
Đầu tư để tăng năng lực khai thác
Đại diện Sở GTVT cho biết theo tính toán sơ bộ, thành phố cần khoảng 93.247 tỉ đồng để đầu tư các dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển giai đoạn 2021-2030. Trong khi đó, với việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống 26 cảng biển ở TP HCM, ước tính mỗi năm, nguồn thu phí đạt khoảng 3.000 tỉ đồng.
Hiện nay, việc thu phí đang đạt mục tiêu như dự kiến, Sở GTVT đã rà soát các danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030 của thành phố và các dự án đầu tư công lĩnh vực giao thông chưa được cân đối, bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Qua rà soát, Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên 30.000 tỉ đồng cho 11 dự án trình HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 9 năm nay.
Theo ông Bùi Hòa An, tuy khoản thu chỉ bù đắp một phần kinh phí xây dựng các công trình giao thông (chiếm 17%) nhưng trong bối cảnh ngân sách thành phố còn khó khăn thì khoản thu sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách.
"Ngoài những dự án giao thông, trong thời gian tới, nguồn thu phí cảng biển còn phục vụ việc nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp; nạo vét tuyến thủy nội địa; đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ" - Phó Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh.
Về kết quả thu phí cảng biển, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận xét rằng sau khi thành phố xem xét điều chỉnh mức phí từ ngày 1-8 đã tạo sự đồng thuận cho doanh nghiệp bởi điều này thể hiện tính công bằng.
TS Phạm Viết Thuận khẳng định nguồn thu này dùng để tái đầu tư cho các công trình giao thông đường bộ quanh cảng là hợp lý. Ông cũng cho rằng TP HCM cần trích một phần nguồn thu hoặc bổ sung kinh phí đầu tư nạo vét luồng sông, các tuyến thủy nội địa để tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại. "Kế hoạch phát triển giao thông đường thủy cần được định hướng rõ ràng, triển khai ngay nhằm khai thông tiềm năng giao thông đường thủy, phục vụ du lịch và giao thông, chia lửa với giao thông đường bộ đang quá tải hiện nay" - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM đề xuất.
Các dự án đầy hứa hẹn
Trong số 11 dự án Sở GTVT trình HĐND TP HCM tại kỳ họp tháng 9 tới đây có 1 dự án đã có chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2020 chưa được chuyển tiếp cân đối, bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu).
Sáu dự án chuẩn bị đầu tư đã được bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 7-4-2022 gồm: Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và đoạn từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng; xây dựng đường Vành đai 2 đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh; xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy; xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu; xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.
Ngoài ra có 4 dự án đề xuất đầu tư mới, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư là 7.023 tỉ đồng gồm: Xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Phú Hữu; mở rộng trục đường Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm; nâng cấp cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1.
Bình luận (0)