xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không thể dừng thu phí không dừng!

ĐOÀN QUANG HUY

Mọi công tác chuẩn bị cho dự án thu phí tự động không dừng đã khởi động từ lâu, không thể dừng lại với bất kỳ lý do nào

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước ngày 31-12-2019, tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước phải hoàn thành thu phí tự động không dừng (ETC). Thế nhưng, càng gần thời điểm gia hạn cuối cùng của dự án, đơn vị chủ đầu tư cung cấp dịch vụ lại có động thái xin được rút lui, trả lại dự án.

Vì sao trì hoãn?

Chủ đầu tư dự án ETC là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án, hoặc nhà nước tiếp tục triển khai dự án. Lý do được đưa ra là các trạm BOT trì hoãn, không hợp tác, dẫn đến việc VETC có nguy cơ lỗ nặng, sau 5 năm triển khai giai đoạn 1 (từ tháng 11-2014 đến 11-2019).

Không thể dừng thu phí không dừng! - Ảnh 1.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc thu phí không dừng từ năm 2018 Ảnh: GIA MINH

Đề án thu phí không dừng có thể nói là đề án hiếm hoi nhận được sự đồng tình của người dân. Bởi lẽ, nếu được triển khai đồng bộ sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả trong quản lý các dự án BOT vốn đã nảy sinh nhiều tiêu cực trong thời gian qua. Ngoài ra, sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm so với hình thức thu phí thủ công như hiện nay. Việc triển khai ETC còn giúp các cơ quan chức năng thuận lợi trong phối hợp kiểm tra, ngăn chặn xe quá hạn đăng kiểm, xe gây tai nạn, xe trộm cắp.

Lợi ích nhiều là như vậy nhưng vì sao vẫn chậm triển khai, trì hoãn?

Có thể thấy ngay rằng, vấn đề nổi cộm của các dự án BOT giao thông là sự không minh bạch trong quản lý thu chi. Cụ thể đó là khai khống, khai tăng đơn giá, số lượng hạng mục thi công trong quá trình báo giá, thi công nhưng lại khai giảm và giấu giếm số thu thực tế sau khi chuyển qua quá trình thu phí hoàn công. Điều này giải thích vì sao việc triển khai ETC - phương thuốc đặc hiệu để trị căn bệnh gian dối trong quản lý thu chi, tăng tính minh bạch - lại vấp phải sự phản ứng gay gắt của các nhà đầu tư BOT đang có vấn đề.

Thực tế, nếu dự án thu phí không dừng được triển khai, con số doanh thu thực tế của các trạm BOT không còn là con số độc quyền của doanh nghiệp (DN) dự án nữa, mà nó được giám sát hằng ngày, hằng giờ và lúc đó, thu - chi thế nào không còn là con số trên giấy tờ, hợp đồng mang tính bí mật mà sẽ được công khai. Xét về bản chất, đây đúng ra là việc phải làm, phải có ngay từ đầu trong hợp đồng giữa Bộ GTVT với các chủ đầu tư.

Phải thượng tôn pháp luật

Bộ GTVT chỉ là cơ quan quản lý cấp nhà nước thay mặt người tham gia giao thông soạn thảo, ký kết hợp đồng. Còn phần chi trả lại là do người tham gia giao thông chi trả trực tiếp thông qua đóng phí sử dụng dịch vụ BOT. Vì vậy, chính họ mới là người được quyền biết chính xác mình đã trả được bao nhiêu, còn phải trả bao nhiêu, chứ không phải cứ tù mù như hiện nay.

Phải chăng là do đã nhiều lần Bộ GTVT cùng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam "dọa" nhưng tới phút cuối lại không làm nên các đơn vị BOT mới "lờn"? Như hồi tháng 7 vừa qua, mặc dù đã có quyết định tạm ngưng thu phí với 3 trạm BOT do không thực hiện đúng lộ trình lắp đặt, vận hành dự án thu phí không dừng nhưng tới phút cuối lệnh cấm này lại được dỡ bỏ.

ETC cũng không phải là dự án mới mẻ, mà đã được Chính phủ đề ra từ cách đây cả chục năm, thực hiện giai đoạn 1 đến nay cũng đã được 5 năm. Tại sao trong 5 năm này, các vấn đề khúc mắc không được các nhà đầu tư sớm đưa ra để các bên liên quan cùng nhau phối hợp, mà phải để đến tận lúc thời hiệu sắp hết mới "chơi chiêu" chây ì, dây dưa?

Trong vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ GTVT và các đơn vị thuộc bộ phải có biện pháp cứng rắn để giải quyết những vấn đề trên. Việc triển khai dự án này cũng là việc lấp lỗ hổng mà chính Bộ GTVT đã tạo ra khi thay mặt người tham gia sử dụng dịch vụ ký kết các hợp đồng với chủ đầu tư.

Xin nhấn mạnh là mọi công tác chuẩn bị cho dự án đã khởi động từ lâu và không thể dừng lại với bất kỳ lý do nào. Công cụ đã có, ý chí đã có, cái còn lại là tính thượng tôn pháp luật của những người đang được Đảng và nhà nước giao trọng trách.

Và trên hết, người dân vẫn đang hy vọng một dự án mang nhiều ý nghĩa không bị gián đoạn bởi một vài cá nhân hay tập thể nào đó. Có như vậy, người dân mới tin tưởng vào quyền lực nhà nước. 

Ông NGUYỄN HỒNG NINH, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng IDICO (nhà đầu tư BOT An Sương - An Lạc, TP HCM):

Đừng vì một nhà đầu tư

Việc triển khai thu phí tự động không dừng ở trạm thu phí đường bộ là một chủ trương hoàn toàn đúng, không thể để đứt đoạn mà cần tiếp tục duy trì. Cần thiết nên chọn thêm nhà đầu tư nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chứ không thể vì một nhà đầu tư mà dừng lại.

Bất cập hiện nay là nhu cầu và tỉ lệ xe có gắn thẻ nộp phí tự động không dừng (E-tag) rất thấp, gây ra nhiều khó khăn đối với các nhà đầu tư tại trạm BOT. Như tại trạm BOT An Sương - An Lạc, dù triển khai thu phí không dừng từ năm 2018 nhưng tỉ lệ xe sử dụng thẻ E-tag chỉ khoảng 3%, còn lại 97% vẫn trả phí thủ công.

Chúng tôi mong muốn DN vận tải, chủ xe áp dụng thẻ nộp phí tự động, sử dụng dịch vụ ETC. Cốt lõi của hệ thống này là giảm chi phí nhiều, không chỉ cho các nhà đầu tư BOT mà trực tiếp cho chính DN vận tải.

G. Minh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo