xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thu phí không dừng tiện lợi, sao còn chần chừ?

Văn Duẩn - Phạm Hồng Phước

Đến nay mới có khoảng 1/3,8 triệu phương tiện có dán thẻ thu phí tự động, trong đó tỉ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ 40%, khoảng 400.000 xe

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết dự án thu phí điện tử không dừng (ETC) bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 44 trạm trên Quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc; giai đoạn 2 gồm 33 trạm thu phí còn lại trên các tuyến quốc lộ. Ngày 31-12 sẽ là hạn chót để dịch vụ ETC tại các trạm BOT phải hoàn thành, đưa vào hoạt động; nếu không, sẽ buộc phải dừng thu phí theo chỉ đạo Thủ tướng.

Còn 4 trạm của VEC chưa triển khai

Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT - cho biết trừ 4 dự án do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý (nằm trong giai đoạn 1), tiến độ dự án đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng, hoàn tất trước ngày 31-12. Cụ thể, 40/44 trạm thu phí (TTP) giai đoạn 1 đã vận hành hệ thống ETC, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng cường minh bạch trong hoạt động thu phí.

Theo ông Thành, VEC cần có phương án phân kỳ đầu tư, vì nếu cùng lúc đầu tư cả 4 dự án sẽ cần nguồn vốn lên tới cả ngàn tỉ đồng. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan khác hoàn thiện phương án tổng thể về tái cơ cấu VEC, trong đó có nội dung về giải pháp tháo gỡ vướng mắc về vốn đầu tư ETC cho các dự án của VEC. Về dự án giai đoạn 2 (BOO2), ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết BOO2 đang triển khai đồng loạt ở 25/33 trạm. Đến nay, tiến độ đang được kiểm soát đúng yêu cầu đề ra; đến ngày 31-12, cơ bản các trạm sẽ thực hiện ETC. 

"Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vẫn chưa quyết định nguồn vốn cũng như giải pháp thực hiện của 4 dự án của VEC. Các dự án của VEC không hoàn thành được đúng hạn định theo chỉ đạo. Trách nhiệm này thuộc về VEC và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước" - ông Huyện nói. Đối với 8 trạm thu phí không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai sau năm 2020 do có 3 trạm doanh thu quá thấp (trạm Km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), 2 trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng phương án bố trí vốn ngân sách hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Bờ Đậu - QL3 và trạm T2 - QL91) và 3 trạm trên QL51 có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm.

Sở GTVT TP HCM cho biết tới nay hầu như các trạm thu phí trên địa bàn TP đều đã lắp đặt hệ thống ETC, tuy nhiên, số lượng phương tiện có dán thẻ thu phí tự động (ETAG) còn rất ít và trong thời gian qua có mức tăng trưởng rất thấp. Theo thống kê của Bộ GTVT, đến nay mới có khoảng 1/3,8 triệu ETAG. Trong số này, tỉ lệ nạp tiền vào sử dụng dịch vụ chỉ 40%, tức khoảng 400.000 xe.

Thu phí không dừng tiện lợi, sao còn chần chừ? - Ảnh 1.

Làn thu phí không dừng (VETC) tại Trạm thu phí BOT Cam Thịnh (tỉnh Khánh Hòa) rất ít xe qua lại Ảnh: Hồng Ánh

Đầu tư lớn nhưng tiết kiệm nhiều chi phí

ETC đem lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm tình trạng ùn tắc giao thông ở các trạm thu phí trong giờ cao điểm, phù hợp với một xã hội hạn chế dùng tiền mặt và giải thoát cho người lái xe khỏi tình cảnh phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ. Ngoài ra, hình thức thu tự động này còn bảo đảm tính minh bạch, công bằng và ngăn ngừa những hành vi phạm pháp... Ngay trong thời đại dịch Covid-19, phương thức ETC càng phát huy tác dụng khi các trạm thu phí thủ công phải đóng cửa để tránh lây nhiễm virus.

Theo chuyên gia, ETC cần phải được triển khai đồng bộ ở 2 hai đối tượng là trạm thu phí và phương tiện giao thông. Tất nhiên, trước hết phải có hành lang pháp lý và quy trình cụ thể, rõ ràng từ các cơ quan chức năng. 

Quyết định 19/2020/QĐ-TTg đã quy định rất rõ, trong đó có đề cập tính đồng bộ của phương thức ETC trên toàn quốc. Yêu cầu là chỉ cần một thẻ đầu cuối gắn trên xe để có thể chạy trên hệ thống xa lộ khắp cả nước. Về trạm thu phí, việc triển khai hệ thống này sẽ cần khoản đầu tư ban đầu không nhỏ. Nhưng về lâu dài, nó sẽ tiết kiệm được nhiều tiền cho chi phí thuê nhân công lao động. Với những trạm thu phí đã xây dựng trước đây, việc trang bị hệ thống ETC sẽ là khoản đầu tư bổ sung. Chắc chắn, các nhà đầu tư sẽ không hào hứng hay thậm chí không còn vốn để đầu tư mới. Vướng mắc này có thể hóa giải được khi nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực.

Còn về phía phương tiện giao thông (cụ thể là chủ sử dụng xe), vấn đề chính vẫn là ý thức chấp hành quy định, đặc biệt là với các phương tiện thường xuyên đi lại trên các đoạn đường có thu phí. 

Kiến nghị không thực hiện tại 7 trạm

Theo Bộ GTVT, ngoài 77 trạm BOT, đối với các trạm do địa phương quản lý có tổng số 39 trạm. Cơ bản các địa phương đều cam kết hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Riêng UBND tỉnh Cà Mau đề xuất không triển khai ETC đối với 4 trạm do tỉnh này quản lý vì các trạm này thu phí các công trình cầu có quy mô nhỏ, ôtô qua các cầu không nhiều mà chủ yếu là môtô 2 bánh, việc lắp đặt ETC gặp nhiều khó khăn và không bảo đảm tính khả thi.

V.Duẩn

Nhiều nước thử nghiệm ETC sử dụng vệ tinh

ETC là một hệ thống không dây tự động thu phí trên các xa lộ có thu phí, các làn đường dành riêng, các cầu và đường hầm có thu phí. Nó đã được William Vickrey, người Mỹ đạt giải Nobel Kinh tế, đưa ra vào năm 1959 với hình thức hệ thống thu phí điện tử cho khu đô thị Washington Metropolitan Area. Việc thử nghiệm nó được tiến hành trong 2 thập niên 1960 và 1970. Ý là nước đầu tiên trên thế giới triển khai một hệ thống ETC đầy đủ trên các xa lộ với quy mô quốc gia vào năm 1989.

Ở Nhật Bản, một trong những thị trường ETC lớn nhất khu vực APAC, ETC được ứng dụng từ năm 2001 và giờ đây đã bao trùm các hệ thống đường bộ và đường hầm với tỉ lệ sử dụng lên tới 90% chuyến đi lại. Bình quân mỗi ngày có 6 triệu lượt thu phí ETC.

ETC bắt đầu đi vào hoạt động ở Trung Quốc vào tháng 6-2014, tới tháng 12-2014 có 13 tỉnh áp dụng và tới tháng 12-2015 có mặt tại 29 tỉnh. Từ đầu tháng 1-2020, Bộ GTVT nước này đã đóng cửa tất cả các trạm thu phí liên tỉnh và tại các nút giao thông thu phí theo phương thức thủ công. Trung Quốc cũng bổ sung hình thức thu phí theo Hệ thống định giá đường điện tử (Electronic Road Pricing, ERP) tương tự ở Singapore. Ngoài việc thu phí tự động qua những loại thẻ ngân hàng như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, Trung Quốc còn chấp nhận cả một số ví điện tử như Alipay, WeChat pay… Singapore là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng thu phí ERP kết hợp việc thu phí lưu thông với việc kiểm soát vào các khu vực đặc biệt cần hạn chế xe cộ. Vào năm 1989, Công ty Autostrade (Ý) (hiện là Autostrade per l’Italia), giới thiệu hệ thống ETC quốc gia hoàn thiện, sử dụng mạng lưới sợi quang học trải dài hơn 3.000 km.

Tại Mỹ, kể từ khi được sử dụng lần đầu ở các bang Texas và Oklahoma vào năm 1989, thu phí không dừng đã được thiết lập mặc định tại các trạm thu phí ở phần lớn khu vực trên khắp cả nước. Nhiều trạm thu phí hiện vẫn vận hành 1 hoặc 2 làn thu phí thủ công dành cho những tài xế không thể, hoặc không muốn chuyển sang thu phí tự động. Trong khi đó, Cơ quan Đường bộ New York (NYSTA) tháng rồi bắt đầu sử dụng hệ thống thu phí hoàn toàn bằng điện tử tại đường cao tốc Thruway ở bang New York, cho phép các phương tiện trả phí tự động trong lúc di chuyển với tốc độ cao dưới các khung giàn do Công ty Kapsch (trụ sở Áo) lắp đặt, hoặc tại các điểm ra - vào do NYSTA vận hành. Mức phí tùy thuộc vào từng loại xe, do hệ thống cảm biến và laser xác định và sẽ được ghi vào tài khoản liên kết hoặc gửi qua thư cho chủ xe dựa trên thông tin từ biển số xe. Tại Ấn Độ, kể từ ngày 1-1-2021, phương tiện giao thông trên khắp cả nước phải sử dụng hệ thống thanh toán điện tử FASTag để trả phí cầu đường. Theo quyết định của Cơ quan Đường cao tốc quốc gia Ấn Độ (NHAI), những phương tiện không gắn thẻ FASTag sẽ phải đóng gấp đôi phí thông thường. Mặc dù 70% chủ xe đã mua thẻ FASTag từ ngân hàng hoặc điểm bán hàng tại các trạm thu phí, NHAI khẳng định con số này phải đạt 100%.

Hiện các cơ quan thu phí đang đặc biệt quan tâm đến các nhà phát triển ứng dụng hứa hẹn một kỷ nguyên thu phí không dừng qua điện thoại thông minh. Nhiều nước thậm chí đang cân nhắc hoặc đang thử nghiệm các hệ thống ETC sử dụng vệ tinh. "Thu phí điện tử đã trở thành nền tảng cho làn sóng đổi mới tiếp theo" - Giám đốc truyền thông Hiệp hội cầu, hầm và đường thu phí quốc tế (IBTTA - trụ sở Mỹ) Bill Cramer khẳng định.

Anh Phúc - Cao Lực

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo