Ngày 22-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ. Phiên họp đã cho ý kiến vào 9 dự án luật, nghị định, báo cáo quan trọng liên quan mật thiết đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo. Đa số ý kiến cho rằng Luật Cạnh tranh cần quy định tổng quát về hành vi, kể cả cạnh tranh không lành mạnh, làm cơ sở pháp lý chung cho các luật chuyên ngành như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… bởi các luật chuyên ngành chưa bao quát hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thương cần rà soát kỹ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để không chồng chéo với các luật khác, đồng thời nhấn mạnh tinh thần về tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và nêu rõ việc không thành lập tổ chức bộ máy mới. Thủ tướng quán triệt tinh thần tất cả bộ, ngành liên quan không đưa quy định về tổ chức bộ máy vào luật để "đẻ" thêm bộ máy.
Các thành viên Chính phủ nhất trí việc cần sửa đổi Luật Chứng khoán để tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh và bền vững của thị trường vốn.
Thảo luận về báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đề xuất của các bộ, cơ quan về xây dựng các dự án luật để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh và quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh: "Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra là kịp thời tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Việc sửa đổi các luật liên quan đến các lĩnh vực là rất cấp bách".
Đáng chú ý, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đặc khu là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Về dự thảo này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chính sách phải thông thoáng hơn, ưu đãi hơn, vượt trội hơn. Nếu không thì không có tác dụng. Luật phải loại được rào cản lâu nay trong thu hút đầu tư thường quy định là "luật pháp không cho phép"; phải xây dựng mô hình mới không có HĐND, hệ thống tòa án, viện kiểm sát theo mô hình riêng.
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công được giao tại Nghị quyết 61 của Chính phủ; báo cáo tóm tắt về kết quả rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 4.284 yêu cầu, điều kiện đầu tư kinh doanh trong 243 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật. Các điều kiện đầu tư kinh doanh quy định ở nhiều văn bản khác nhau rất phức tạp, chồng chéo phạm vi quản lý, rất nhiều thủ tục quy định ở các nghị định, thông tư, quyết định. Cho nên cần bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện đầu tư kinh doanh về tài chính, địa điểm, năng lực sản xuất, nhân lực, phương thức kinh doanh, quy hoạch...
Nêu ví dụ Luật Đầu tư công xây dựng công phu nhưng thủ tục vẫn rất phức tạp nên khó giải ngân, Thủ tướng nhìn nhận thực tế nhiều luật vẫn có sự trói buộc lẫn nhau. Cải cách hành chính đang mạnh mẽ thì có luật đưa ra lại "đẻ" thêm thủ tục, quyền hạn nên thủ tục chồng chất nhiều, một số nội dung chưa sát thực tiễn...
Bình luận (0)