Ngày 24-6, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) đã chính thức được khai trương đưa vào hoạt động.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ với mục tiêu đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ tiên tiến của thế giới, hướng tới Chính phủ không giấy tờ.
"e-Cabinet chính thức đi vào hoạt động sẽ là công cụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"- ông Dũng nói.
Thủ tướng chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ qua hệ thống e-Cabinet - Video: Minh Chiến
Sau khi hệ thống khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống e-Cabinet. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã báo cáo Thủ tướng số thành viên dự họp sau khi đã nhận được đăng ký qua hệ thống này. Theo đó, phiên họp có mặt 21/27 thành viên Chính phủ, vắng 6 thành viên, một số bộ trưởng do bận lịch công tác đã cử thứ trưởng đi thay.
Tất cả các thông tin về lý do vắng họp, bố trí người họp thay của các bộ, ngành đều hiển thị trên hệ thống e-Cabinet để VPCP tổng hợp và báo cáo Thủ tướng chủ trì phiên họp.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phiên họp nhằm cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định quy định định danh và xác thực điện tử. Đại diện VPCP đã có báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết này.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng biểu quyết thông qua nghị quyết bằng iPad
Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp được trang bị máy iPad, kết nối hệ thống e-Cabinet để tham gia ý kiến cũng như biểu quyết.
Các thành viên Chính phủ đã biểu quyết thông qua nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng nghị định quy định định danh và xác thực điện tử qua hệ thống e-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 người dự biểu quyết tại chỗ, 4 người biểu quyết qua mạng).
Sau đó, Thủ tướng đề nghị VPCP làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị quyết này và đã sử dụng thiết bị di động nhấn nút ký (chữ ký số) để ban hành Nghị quyết ngay tại phiên họp.
Đánh giá việc đưa vào sử dụng hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoài việc tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cuộc họp, hệ thống này cũng đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị nội dung trước cuộc họp kỹ càng hơn, chặt chẽ hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh khi triển khai hệ thống này, không được để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu. "Đây là các yêu cầu mà VPCP và các cơ quan chức năng phải thực hiện. Đồng thời, rà soát, kiến nghị để sửa đổi quy định cho phù hợp với môi trường làm việc điện tử và trên không gian mạng"- người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Ước tính trong năm 2019, việc đưa vào sử dụng e-Cabinet sẽ giảm 30% thời gian họp trung bình của các phiên họp Chính phủ so với các năm trước; nâng cao chất lượng các cuộc họp của Chính phủ; tăng tính kịp thời, hiệu quả trong xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến, xử lý công việc khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.
Hệ thống giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các cuộc họp, tiết kiệm nhân lực, chi phí in ấn, sao chụp, vận chuyển, phát hành, thu hồi, tiêu hủy văn bản giấy. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).
Bình luận (0)