Ngày 8-5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 7) bước sang ngày làm việc thứ 2.
Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên họp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành phiên họp Hội nghị Trung ương 7 sáng ngày 8-5 - Ảnh: TTXVN
Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Đây là 2 trong số 3 đề án lớn Trung ương tập trung thảo luận tại hội nghị lần này. Đề án còn lại là Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Thảo luận tại hội trường, các vị ủy viên Trung ương đều đánh giá đề án xây dựng đội ngũ cán bộ được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm; quá trình xây dựng được thực hiện bài bản, công phu, dân chủ, qua nhiều bước quy trình. Các giải pháp, nhiệm vụ được đề ra trong đề án có tính thực tiễn, khả thi cao…
Liên quan đến việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao chủ trương này, cho rằng, đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Một số ý kiến đề nghị triển khai nhất quán ngay từ đầu chủ trương này, tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không. Và để làm được điều này, thì ngay từ bây giờ phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư, đảm bảo tính chất vùng miền, dân tộc... Một số ý kiến cũng đề nghị áp dụng chủ trương này với chức danh chủ tịch, nhằm ngăn chặn tận gốc quyền lực ở địa phương.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào khâu đánh giá cán bộ. Cho rằng đây là khâu quan trọng, là căn cứ, cơ sở để triển khai các công tác cán bộ tiếp theo, đánh giá cán bộ cần theo hướng đa chiều, liên tục, đánh giá theo kiểu sản phẩm, đặt hàng.
Sáng ngày 8-5, Hội nghị Trung ương 7 làm việc tại hội trường, thảo luận về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ - Ảnh: TXVN
Về vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ cần phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của người công chức.
Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn đề nghị: "Trung ương cần nghiên cứu cái này và có biện pháp, chế tài để chúng ta có thể ngăn chặn được. Ít nhất là giảm tối đa việc chạy chức, chạy quyền và có chế tài giám sát người đứng đầu nếu trách nhiệm của anh mà anh để như thế thì không được. Đây chính là mấu chốt dẫn đến câu chuyện tại sao chúng ta có quy chế đầy đủ hết, quy trình đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai. Nó xuất phát từ chỗ này. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm được điều này thì chúng ta giảm thiểu rất lớn nạn chạy chức, chạy quyền này".
Trước đó, tại lễ khai mạc Hội nghị Trung ương 7 sáng qua 8-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số vấn đề để Trung ương tập trung thảo luận, xem xét, quyết định 3 đề án quan trọng này.
Tổng Bí thư nhấn mạnh đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm... Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi". Cố gắng chỉ ra khâu đột phá là khâu nào? Vì sao có nhiều nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp? Vì sao quy trình đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?..." - Tổng Bí thư gợi mở.
Về Đề án quan trọng thứ hai là về cải cách chính sách tiền lương, Tổng Bí thư cho rằng đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập. Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc, toàn diện các nội dung, vấn đề nêu trong tờ trình, đề án và dự thảo nghị quyết của Trung ương; bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bình luận (0)