Quyết định của Thủ tướng nêu rõ thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại TP Đà Nẵng để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 năm 2022 (cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự kiến sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ).
Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bên phải) cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra phòng chống bão tại cảng cá, âu thuyền Thọ Quang
Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, làm Phó Trưởng ban thường trực.
Các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với UBND TP Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan bảo đảm công tác hậu cần, bố trí phương tiện, trang thiết bị, thông tin liên lạc phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết dự báo trong 24, 24 đến 48 giờ và cả sau đoạn 48 giờ, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, cường độ đạt mạnh nhất khi ở khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa; cùng với việc mặt nước biển ấm (ở mức gần 31 độ C) thì cường độ bão sẽ ở mức cấp 14, giật cấp 16.
"Nhận định khoảng sáng đến trưa ngày 28-9, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó đi xuyên qua Tây Nguyên, sang Lào rồi sang Thái Lan và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan"- ông Huởng cho hay.
Từ ngày 27 đến 28-9, khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300 mm, có nơi trên 350 mm. Từ 28 đến 30-9, mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ. Khả năng xảy ra lũ và ngập lụt diện rộng ở khu Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên từ báo động 1 đến báo động 3 nếu mưa lớn trên 400 mm.
Vị trí tâm bão số 4 lúc 18 giờ ngày 26-9 ở khoảng 15.9 độ Vĩ Bắc; 116.0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 25 km/giờ.
Bình luận (0)