Ngày 4-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022 với nhiều nội dung quan trọng về tình hình kinh tế - xã hội.
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép; sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng tháng 5 đạt 4% so với tháng trước. Đáng chú ý, các hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5 rất sôi động, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành..., nhờ số lượng khách quốc tế tăng gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31) thành công trên nhiều phương diện, không chỉ về mặt thể thao mà còn về an toàn dịch bệnh, an ninh trật tự và lan tỏa khí thế phát triển tới nhiều địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022 Ảnh: NHẬT BẮC
Trong lĩnh vực giao thông, kết quả giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá là gam màu sáng của bức tranh kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thông tin đến nay, bộ đã giải ngân hơn 15.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 30% tổng số vốn của cả năm 2022. Về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay 2 dự án đường cao tốc đáng lo ngại nhất là Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Dầu Giây - Phan Thiết đã có chuyển biến tích cực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá để có được những kết quả tích cực là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Dù vậy, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như: giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu, tăng cao; tác động từ xung đột Nga - Ukraine; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro...
Phát triển thị trường vốn an toàn
Kết luận phiên họp, nhấn mạnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ - ngành bảo đảm vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vắc-xin cho trẻ em. Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vắc-xin cho phù hợp bởi thực tiễn cho thấy vắc-xin là yếu tố quyết định để phòng chống dịch Covid-19 và mở cửa trở lại. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế, sử dụng hiệu quả khoản kinh phí 46.000 tỉ đồng được bố trí cho nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Ngoài ra, giao Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới. "Ai làm sai phải xử lý; ai làm tốt, có công thì động viên, tôn vinh, khen thưởng" - Thủ tướng khẳng định khi nhắc đến các vấn đề của ngành y tế.
Liên quan đến thị trường vốn, Thủ tướng lưu ý xử lý nghiêm các sai phạm song song với bảo vệ người làm ăn chân chính; tiếp tục phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả. "Cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa giải quyết các nút thắt, bức xúc của người dân vừa tạo đột phá về hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phải rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt" - Thủ tướng nói.
Phải thận trọng và cầu thị
Thủ tướng nhắc nhở tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Bên cạnh đó, căn cứ thực tiễn để cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp với lợi ích của nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.
Về môn học lịch sử được dư luận quan tâm thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn để có giải pháp kịp thời. "Có thể quy định theo hướng môn lịch sử vừa có phần bắt buộc vừa có phần tự chọn. Truyền thống văn hóa - lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa - lịch sử là đầu tư cho sự phát triển" - người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Tập trung điều tra các vụ án
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều cùng ngày, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết bộ đang tập trung điều tra để sớm có kết quả các vụ án, gồm: vụ Công ty Việt Á, vụ chuyến bay "giải cứu" liên quan đến Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, vụ án liên quan Tập đoàn FLC hay Tập đoàn Tân Hoàng Minh...
Ông Tô Ân Xô cho biết dòng tiền liên quan đến các vụ án trên là yếu tố rất quan trọng với cơ quan điều tra để tìm ra bản chất vụ án. "Trong một số vụ án, khi khám xét, có những bị can để trong ngăn kéo hơn 10 tỉ đồng. Trong lời khai của các đối tượng ở vụ Công ty Việt Á, thể hiện lãi khoảng 4.000 tỉ đồng từ kit xét nghiệm và đã chi khoảng 800 tỉ đồng để bôi trơn" - ông Xô dẫn chứng.
Đáng chú ý, với vụ án chuyến bay "giải cứu", theo cán bộ điều tra, mỗi chuyến bay, các đối tượng có thể thu lợi lên đến vài tỉ đồng sau khi trừ chi phí...
Chậm triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết một số địa phương chưa chủ động triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 của Thủ tướng. Có tình trạng cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp; một số nơi chưa bố trí kịp nguồn, chờ ngân sách trung ương phân bổ; một số doanh nghiệp e ngại người lao động trục lợi nên làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ... "Bộ đã đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam lập, phê duyệt danh sách rà soát người lao động nhanh chóng hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin.
Bình luận (0)