Phải tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin bảo đảm an toàn, khoa học, kịp thời, hiệu quả, nhất là tiêm vắc-xin cho trẻ em. Đó là kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, ngày 4-6.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới, nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vắc-xin cho phù hợp. Thực tiễn đã cho thấy vắc-xin là yếu tố quyết định để phòng, chống dịch Covid-19, mở cửa trở lại.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan căn cứ tình hình thực tế để sử dụng hiệu quả khoản kinh phí 46.000 tỉ đồng được bố trí dành cho nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng lưu ý tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, những dịch bệnh khác có thể nổi lên, do đó, phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm vắc-xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng nhấn mạnh ai làm sai phải xử lý, ai làm tốt, có công thì động viên, tôn vinh, khen thưởng.
Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt. Phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, bền vững, hiệu quả, xử lý nghiêm các sai phạm nhưng bảo vệ những người làm ăn chân chính.
Tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm để vừa giải quyết các nút thắt, bức xúc của nhân dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng. Đồng thời, rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ công tác để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.
Nhấn mạnh chương trình phục hồi và phát triển là chương trình lớn, chưa có tiền lệ nên không tránh khỏi vướng mắc, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải nắm chắc tình hình và xử lý kịp thời.
Thủ tướng yêu cầu cần xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh: Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; chuẩn bị tốt các hoạt động tri ân Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh.
Về công tác giáo dục - đào tạo, Thủ tướng nhắc đến nhiệm vụ tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Cân nhắc, thận trọng xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, căn cứ thực tiễn, phù hợp với lợi ích của Nhà nước, tổ chức và học sinh, sinh viên.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, rà soát, nghiên cứu giải pháp phù hợp với các vấn đề liên quan sách giáo khoa theo hướng tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí, bảo đảm lợi ích chính đáng của học sinh, phụ huynh.
Về môn học lịch sử, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nghiêm túc, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, chuyên gia, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, xử lý, có giải pháp kịp thời, vừa bảo đảm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vừa phù hợp thực tiễn, đáp ứng mong muốn của người dân và các chuyên gia cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập môn lịch sử.
Thủ tướng gợi ý có thể quy định theo hướng lịch sử vừa có phần bắt buộc, vừa có phần tự chọn. Theo lãnh đạo Chính phủ, truyền thống văn hóa lịch sử cũng là một nguồn lực, đầu tư cho giáo dục văn hóa - lịch sử là đầu tư cho sự phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực như đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán... Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, tập trung xử lý các vấn đề, dự án tồn đọng gồm 7/12 doanh nghiệp yếu kém; các dự án như nhà máy nhiệt điện Long Phú I, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai; các tổ chức tín dụng yếu kém...
Bình luận (0)