Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2020, vào ngày 3-8.
Theo Thủ tướng, sau 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, trong tháng 7 đã phát hiện ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và một số địa phương. Lãnh đạo Chính phủ nhắc lại tinh thần chống dịch thần tốc, cương quyết, "chống dịch như chống giặc" và nhấn mạnh phải dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch.
Thủ tướng chỉ đạo dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng - Ảnh: Quang Hiếu
Trước diễn biến phức tạp của dịch lần 2, Thủ tướng yêu cầu mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.
"Chúng ta đã tăng cường lực lượng cần thiết cho Đà Nẵng với hàng ngàn cán bộ y tế từ Hà Nội, TP HCM"- Thủ tướng nói và đánh giá cao ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ phòng chống dịch, đồng thời biểu dương các chiến sĩ áo trắng, nhiều địa phương có các biện pháp sáng tạo.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là khi dịch quay trở lại, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Theo Thủ tướng, thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, do đó cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.
Đáng chú ý, bên cạnh công tác phòng chống dịch quyết liệt, hiệu quả, Thủ tướng cũng lưu ý không để đứt gãy nền kinh tế. Với tinh thần đó, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với các địa phương. Thủ tướng cũng đã trực tiếp kiểm tra, làm việc với một số tỉnh, TP lớn nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông động lực tăng trưởng.
Thủ tướng đề nghị tại phiên họp này tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19, đặc biệt tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp do dịch, các đối tác lớn của Việt Nam đều suy giảm nghiêm trọng, kinh tế Mỹ trong quý II/2020 đã giảm đến 33%, EU giảm đến 12,1%.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021. Đồng thời, Việt Nam đang nhận được sự tin cậy của các nhà đầu tư trên thế giới, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Dù vậy, Thủ tướng vẫn nêu rõ khó khăn còn rất lớn, do đó các thành viên Chính phủ cần thảo luận thêm các biện pháp để giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới, không đổ gãy các loại hình doanh nghiệp. Thủ tướng cũng đề nghị phiên họp bàn về việc đã có hơn 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó vấn đề thất nghiệp, giảm thu nhập là mối lo ngại khá lớn. "Nếu chúng ta không quan tâm những vấn đề lao động xã hội thì tình hình sẽ phức tạp"- Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Bình luận (0)