Trong chuyến thăm theo lời mời của Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng Thủ tướng Lào chủ trì kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào từ ngày 11 đến 12-1-2023.
Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay. Ảnh: VGP
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Lào; cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng trong năm 2023. Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Lào sau khi Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nhậm chức.
Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm CHDCND Lào có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thị Hoàng Vân; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đang phát triển vững chắc. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn giữ được đà và phát triển quan hệ trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức CHDCND Lào. Ảnh: VGP
Quan hệ chính trị tiếp tục phát triển tốt đẹp, hai bên phối hợp tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, Lễ phát động "Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022"; thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao và các cấp từ Trung ương đến địa phương. Nổi bật, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác tại thủ đô và các tỉnh, thành của mỗi nước.
Trong hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã hỗ trợ nhau cả về kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế và cử chuyên gia hỗ trợ nhau phòng, chống dịch. Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, nhất là trong hợp tác cứu hộ, cứu nạn; tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh; kiểm soát biên giới; phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là vấn đề buôn bán, vận chuyển ma túy.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được duy trì tốt. Việt Nam hiện có 238 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, tổng vốn đăng ký khoảng 5,34 tỉ USD, duy trì vị trí thứ 3 đầu tư vào Lào, sau Trung Quốc, Thái Lan. Trong năm 2022, hai bên đã khởi công và khánh thành, bàn giao một số dự án sử dụng vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào: Khởi công dự án Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Xaysomboun; khánh thành dự án Trường Quân sự tỉnh Xaysomboun; khánh thành nhà máy chế biến nông sản, dược liệu Xaysomboun. Doanh nghiệp hai bên tích cực giao lưu, ký Bản ghi nhớ hợp tác.
Kim ngạch thương mại hai chiều tính đến hết tháng 11-2022 đạt 1,5 tỉ USD, và ước đạt hơn 1,6 tỉ USD trong cả năm 2022, tăng hơn 20% so với năm 2021. Bên cạnh kinh tế, hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo và văn hóa. Hiện, tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người.
Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên Hiệp Quốc và các cơ chế tiểu vùng...
Bình luận (0)