Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi chỉ đạo ứng phó với ngập lụt tại tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Thanh Tuấn
Sáng 12-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại TP Hải Phòng để về tỉnh Ninh Bình thị sát Đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, bảo vệ an toàn đê điều.
Tại đập tràn Lạc Khoái, Thủ tướng đã nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo về công tác chống lũ, phương án ứng phó với tình huống có thể xảy ra. Đánh giá cao việc tỉnh khẩn trương tiến hành di dân, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bảo đảm an toàn tối đa cho người dân. Sau đó, Thủ tướng đi ca-nô trên sông Hoàng Long để thị sát tình hình lũ.
Thủ tướng đi ca-nô thị sát tình hình lũ trên sông Hoàng Long - Ảnh: Quang Hiếu
Sau khi đi thị sát, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh tại nhà vận hành đập tràn Lạc Khoái.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết lượng nước dâng cao, nhiều khu vực bị ngập. Năm nay, mực nước sông dâng cao đến mức 5,53 m, cao nhất trong hơn 30 năm qua (vượt đỉnh năm 1985 là 5,23 m). Tối qua, tỉnh đã tiến hành di dân, xử lý các điểm sạt lở. Nếu mực nước sông lên 10 cm thì sẽ tiến hành phương án xả lũ.
Thủ tướng kiểm tra, thị sát khu đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn - Ảnh: Thanh Tuấn
Do mưa lũ đang còn diễn biến phức tạp nên Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ để xử lý khi có sự cố xảy ra - Ảnh: Thanh Tuấn
Tối 11-10, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã ký lệnh di dân với một số xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn với tổng số hơn 3.000 hộ dân và trên 200.000 người.
Cho rằng nguy cơ mưa lớn vẫn còn khi áp thấp nhiệt đới có khả năng thành bão, cùng với gió mùa Đông Bắc tràn về, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều - hiện đã no nước, có nguy cơ thẩm thấu. Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết.
Cũng trong sáng nay 12-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới Hòa Bình và vào hiện trường để chỉ đạo công tác cứu nạn và xử lý giải quyết thảm họa sạt lở đất khiến 18 nạn nhân bị vùi lấp.
Theo thông tin ban đầu từ tỉnh Hòa Bình, vào khoảng 1 giờ 30 ngày 12-10, tại khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng vùi lấp khoảng 18 người dân sinh sống trong 4 ngôi nhà ở khu vực này. Đến trưa 12-10, lực lượng chức năng tìm được 9 thi thể.
Hiện trường xảy ra vụ sạt lở tại khu vực xóm Khanh, xã Phú Cường huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, vùi lấp 18 nạn nhân - Ảnh: Báo Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ - Ảnh: Xuân Tuyến
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia buồn, thăm hỏi, động viên thân nhân những người gặp nạn
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên, cùng các phương tiện máy móc đã được tỉnh Hòa Bình huy động để tìm kiếm các nạn nhân.
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu lực lượng chức năng bằng mọi biện pháp, nỗ lực cao nhất để nhanh chóng tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích. Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan và các gia đình lo hậu sự chu đáo cho người đã mất.
Do hiện trường vụ sạt lở rất phức tạp, đất đá còn có khả năng sạt lở tiếp, Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo các biện pháp an toàn cho lực lượng cứu nạn.
Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã thành lập sở chỉ huy dã chiến tại hiện trường, các đơn vị cung cấp, bảo đảm hậu cần cho lực lượng cứu nạn.
UBND tỉnh hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng/người chết; UBND Huyện Tân Lạc hỗ trợ 3 triệu đồng/người chết.
Tính đến nay, tỉnh Hòa Bình có 11 người chết, 21 người đang mất tích do mưa lũ, sạt lở đất.
Sáng hôm qua 11-10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã phải ký ban hành quyết định công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Bình luận (0)