Ngày 22-11, tại TP HCM, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TP HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam", kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022).
Chiến sĩ cộng sản kiên trung
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết hội thảo là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực để chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang và tri ân những đóng góp to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời đúc kết những bài học có giá trị lý luận và thực tiễn để giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, góp phần đẩy mạnh sâu rộng và toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, trải qua nhiều hy sinh, gian khổ, gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc ta, Thủ tướng Võ Văn Kiệt với phẩm chất đạo đức cách mạng và tài năng của một nhà lãnh đạo xuất sắc đã để lại những dấu ấn quan trọng và những cống hiến to lớn, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới toàn diện đất nước.
"Dấu ấn Võ Văn Kiệt" đã in đậm trong những quyết sách lớn, những dự án, công trình trọng điểm quốc gia thời kỳ đầu đổi mới, giữa bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức lớn, góp phần đưa sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu quan trọng, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: "Đồng chí Võ Văn Kiệt đã để lại cho chúng ta những bài học quý báu về tấm gương của một chiến sĩ cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, lý luận gắn liền với thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật, sâu sát cơ sở, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược, tiên phong, không ngừng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung để giải quyết những vấn đề bức thiết, những đòi hỏi của nhân dân và thực tiễn cách mạng, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khái quát rõ nét những đóng góp to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Đồng chí Võ Văn Kiệt đã cống hiến trọn đời vì lý tưởng cách mạng cao cả, nhân văn là giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho nhân dân. Dù những năm tháng hoạt động bí mật, đầy khó khăn, gian khổ, hay khi đất nước hòa bình, trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đồng chí luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm tiêu chí, thước đo cho hoạt động cách mạng của mình".
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Có dân sẽ làm nên tất cả"
Trong phần trình bày, thảo luận tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết sau khi đất nước thống nhất, được giao đảm nhiệm những trọng trách của Đảng, Nhà nước, trở thành người đứng đầu Chính phủ, dù bộn bề nhiệm vụ, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn luôn dành tình cảm sâu nặng và tâm huyết cho quê hương Vĩnh Long. Mỗi chuyến về quê hương Vĩnh Long, ông đều đề nghị xuống thăm cơ sở để nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. "Với quê hương, đất nước, ông Võ Văn Kiệt đã sống trọn vẹn nghĩa tình. Ông đã cống hiến biết bao tâm huyết, sức lực cho khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và sự vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc anh hùng. Sẽ còn mãi vang vọng đến mai sau lời căn dặn ân tình của ông Võ Văn Kiệt: "Còn dân là còn tất cả. Có dân sẽ làm nên tất cả" - ông Bùi Văn Nghiêm chia sẻ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, sôi nổi, vượt qua bao nhiêu cam go thử thách, từ một thanh niên yêu nước đến khi trở thành Thủ tướng Chính phủ, cuộc đời Võ Văn Kiệt đã đi cùng năm tháng hào hùng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhất là của TP HCM. Trong những thời điểm khó khăn có tính chất bước ngoặt, tài năng, trí tuệ, sự sắc sảo, phẩm chất bản lĩnh của đồng chí được hiển lộ rõ nét nhất.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói với tinh thần khoa học, các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đề cập toàn diện, đi sâu phân tích, luận giải sâu sắc ở từng nội dung theo chủ đề hội thảo. Đây là dịp để chúng ta thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc đối với Thủ tướng Võ Văn Kiệt; qua đó tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập tấm gương của người cộng sản mẫu mực trong các tầng lớp nhân dân, nhất là hệ trẻ Việt Nam.
Nhớ nụ cười và sự bao dung của cha
Trong niềm xúc động, thay mặt gia đình, bà Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nghẹn ngào gửi lời cảm ơn đến những tình cảm mà Đảng, nhà nước, các tầng lớp nhân dân đã dành cho cha mình, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Bà Võ Hiếu Dân cho hay những năm tháng ở bên cha tuy rất ngắn ngủi nhưng kỷ niệm vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Trong lòng bà, cha là người nhẹ nhàng, tế nhị, với những câu chuyện rất đời, gửi gắm điều gì đó. Ông là người cha không bao giờ áp đặt con cái mà luôn tôn trọng. Để rồi giờ đây con cháu nhớ về ông, nhớ sự quan tâm của ông với mọi người xung quanh, nhớ tác phong, nhớ nụ cười và sự bao dung. "Chúng tôi ảnh hưởng từ ông với lối sống giản dị, có cái nhìn đa chiều về con người và xã hội" - bà Võ Hiếu Dân bày tỏ.
Dâng hương tưởng nhớ Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Chiều 22-11, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 23.11.2022), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long tổ chức trọng thể lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long); dự lễ phát hành bộ tem đặc biệt Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tham quan Nhà trưng bày "Vườn ông Sáu Dân" trong khu tưởng niệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: TTXVN
Tham dự lễ có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Về phía tỉnh Vĩnh Long, có ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và thân nhân gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Sáng cùng ngày, Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam" cũng đã đến dâng hương, dâng hoa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Nghĩa trang TP HCM.
C.Linh - Tr.Hoàng
. PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam:
Làm hồi sinh bao thân phận
Có lẽ chưa nơi nào có số người được trưởng thành từ Thành Đoàn, từ Thanh niên Xung phong nhiều như ở TP HCM. Thành tựu ấy, công lao ấy thuộc về các tổ chức Đảng, đoàn thể của nhiều thế hệ lãnh đạo, trong đó dấu ấn Võ Văn Kiệt là khá rõ nét. Từ đầu những năm 1960, ông Võ Văn Kiệt đã quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cho thanh niên. Những lớp học ở chiến khu Bời Lời (Tây Ninh), Nhuận Đức, Hố Bò (Củ Chi) được tổ chức đã trở thành hạt nhân chính trị của phong trào thanh niên của khu Sài Gòn - Gia Định.
Sau giải phóng, trước thực trạng kinh tế kiệt quệ, thất nghiệp tràn lan, ruộng đất hoang hóa,… ông Võ Văn Kiệt trao cờ, trao niềm tin và hy vọng cho tuổi trẻ thành phố, vác cuốc đi đầu trong đoàn quân xung kích của một thế hệ mới. Với ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng và tình cảm nhân hậu, bao dung, ông Võ Văn Kiệt đã lôi cuốn cả những mảnh đời bất hạnh vừa thoát khỏi chế độ thực dân, có cả những em gái lỡ lầm trong cuộc sống mưu sinh, những băng đảng với những "đại ca", "đại bàng" tưởng như không còn tương lai... bước vào cuộc sống mới. Lực lượng Thanh niên Xung phong TP lớn mạnh nhanh chóng, trở thành lực lượng năng động, sôi nổi qua các công trình kinh tế, phúc lợi xã hội, đem lại lợi ích vật chất thiết thực, làm hồi sinh bao thân phận.
. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG:
Người khởi động quá trình kế hoạch hóa
Tinh thần của ông Võ Văn Kiệt là đổi mới kế hoạch hóa phải hướng đến mục tiêu "thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển nhanh, kết hợp hài hòa lợi ích của các thành phần kinh tế". Ông chủ động đưa ra một số định hướng cơ bản cho quá trình đổi mới công tác kế hoạch hóa.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng muốn đổi mới và đột phá trong phát triển không chỉ tập trung đổi mới thực chất về lý luận, phương pháp luận về công tác quy hoạch, kế hoạch mà cần phải có nhiều công trình mang tính đột phá, là trụ cột cho phát triển kinh tế. Từ đó, ông đã cùng các cộng sự tập trung đột phá ở các ngành điện, giao thông là những điểm nghẽn của kinh tế lúc bấy giờ. Nhiều công trình thế kỷ được xây dựng, đưa kinh tế Việt Nam phát triển trên một diện mạo mới.
. Nhà báo NGUYỄN HỒNG VINH, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân:
Dành nhiều tình cảm cho báo chí
Ông Võ Văn Kiệt đã dành rất nhiều tình cảm cho báo Đảng. Trong một lần trao đổi về Đề án "Cải tiến, đổi mới Báo Nhân Dân trong giai đoạn mới", ông hỏi về xây dựng đội ngũ cây viết chủ lực của báo và nhận xét nội dung này trong đề án chưa nói rõ lắm. Ông bảo, một tờ báo muốn có tầm cần có nhiều cây bút có uy quyền về các lĩnh vực và dặn dò chúng tôi phải hết sức chú ý vấn đề này…
Sau này, khi về hưu, ông Võ Văn Kiệt vẫn quan tâm gợi mở cho báo chí những vấn đề "nóng" cần được tuyên truyền bài bản, thuyết phục. Đó là việc tuyên truyền chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; là những chủ trương, phong trào đúng đắn nhưng còn tồn tại "bệnh hình thức", "bệnh phô trương" ở một số nơi; là tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng... Ông cũng nhắc nhở các cơ quan báo chí phải coi trọng hơn việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh cho các nhà báo.
Bình luận (0)