Ngày 14-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công (Ban Chỉ đạo) - đã chủ trì cuộc họp rà soát, đôn đốc triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (DN).
Đề xuất bãi bỏ phụ cấp ngoài lương
Nghị quyết 27 bắt đầu thực hiện từ năm 2021 và xác định từ nay tới hết năm 2020, Chính phủ vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ bản mỗi năm 7% theo Nghị quyết của Quốc hội. Từ năm 2021 trở đi sẽ cải cách căn bản chính sách tiền lương mà nội hàm bao gồm trong khu vực hành chính nhà nước (trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo), trong khu vực DN thì thực hiện ngang bằng với khối DN nhà nước và ngoài nhà nước (loại trừ lương người đại diện chủ sở hữu, người làm công tác quản lý).
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết nhiệm vụ trọng tâm về cải cách chính sách tiền lương trong năm 2019 là trình Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ ngày 1-7 theo Nghị quyết của Quốc hội từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu đồng/người/tháng; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong khu vực DN từ ngày 1-1-2020. Bên cạnh đó, rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị.
Về vị trí việc làm, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan xây dựng khung danh mục vị trí việc làm, mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã để trình Bộ Chính trị. Các nhóm vị trí việc làm gồm: chức vụ, chức danh lãnh đạo; chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành; chuyên môn nghiệp vụ dùng chung (như tài chính, kế toán, cơ quan nào cũng có) và nhóm hỗ trợ.
Cũng theo ông Thăng, hiện 3 bộ đã có ý kiến, trong đó Bộ Tài chính đề nghị bỏ các khoản phụ cấp ngoài lương của cán bộ, công chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như tiền bồi dưỡng họp, bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bồi dưỡng hội thảo…
Cải cách tiền lương phải song hành với cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế để có đội ngũ làm việc tốt, thu nhập bảo đảm đủ sống. Trong ảnh: Cán bộ UBND phường ở quận 3, TP HCM trong giờ làm việcẢnh: HOÀNG TRIỀU
Không cứ mãi sống lâu lên lão làng
Về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu thực tế không như kỳ vọng là sau khi xây dựng vị trí việc làm thì tất cả các bộ, ngành đều tăng thêm biên chế. "Có ngành tăng thêm 5.000 - 6.000 biên chế. Trình đi trình lại, các cấp thẩm quyền không duyệt. Sau đó xin không tăng mà giữ nguyên như hiện nay. Như vậy là không giảm được biên chế" - Phó Thủ tướng nhắc nhở.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 2 nội dung quan trọng trong Nghị quyết 27 là xây dựng vị trí việc làm phải bảo đảm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế. "Anh đang ở trên mà xuống làm việc dưới thì hưởng lương ở dưới; đang ở dưới mà nhảy lên được bậc trên thì hưởng lương ở trên, chứ không có kiểu sống lâu lên lão làng. Tất nhiên, có những "van, khóa" để điều chỉnh chuyện thâm niên với vị trí việc làm. Nguyên tắc không được "đẻ" biên chế, mỗi năm phải giảm 2,5%" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trưởng Ban Chỉ đạo Vương Đình Huệ chia sẻ mục tiêu mỗi năm phải giảm 2,5% là khó và từ trước Bộ Nội vụ đã làm còn nay phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng việc phân công, phân cấp phải gắn với quản lý chứ không phải "thả gà ra đuổi". Ông Vương Đình Huệ gợi ý học cách xác định tiêu chí việc làm của thế giới nhưng phải gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nước nghèo thì phải làm nhiều giờ, làm nhiều việc để tích lũy, còn nước giàu thì làm ít giờ. Điều kiện kinh tế - xã hội quyết định vấn đề này.
Tương tự, vị trí việc làm cũng vậy. Như trong ngành y, nếu áp tiêu chuẩn của nước ngoài một bác sĩ có bao nhiêu hộ lý, y tá thì sẽ thêm quân số. "Bệnh viện tự chủ thì bao nhiêu hộ lý là việc của đơn vị, còn trong điều kiện hiện nay không thể thực hiện được.
Quản chặt nguồn tăng thu để tăng lương
Về nguồn lực cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính thảo luận, tổ chức cuộc họp để Ban Chỉ đạo nghe trước khi báo cáo Chính phủ. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính đánh giá tổng thể nguồn còn dư hiện nay để cải cách tiền lương nằm ở các bộ, ngành, địa phương; việc sử dụng nguồn dư đó theo quy định pháp luật và Nghị quyết 27 cùng với nguồn tăng thu của năm 2018 (40% tăng thu của ngân sách trung ương được tích lũy lại để cải cách tiền lương). "Phải quản chặt nguồn thu ngân sách và phải có nguyên tắc, không thể mỗi nơi xử lý khác nhau, không cho bất cứ địa phương nào sử dụng khoản này, để bảo đảm nguồn để cải cách tiền lương từ nay đến năm 2020 và cải cách căn bản vào năm 2021" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bình luận (0)