Sáng 8-10, theo ghi nhận tại thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) mưa lớn khiến nước sông Sê Pôn dâng cao, tràn vào các khu dân cư gây ngập nặng. Tại thị trấn vùng biên này có nhiều nơi bị ngập sâu từ 1 - 1,5 m, nhiều tuyến đường hóa thành sông, người dân phải dùng đò, thuyền để đi lại. Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Hướng Hóa đã tiến hành di dời hơn 1.100 hộ dân với trên 4.500 nhân khẩu ở 7 xã, thị trấn đến khu vực cao ráo.
Clip: Nước ngập sâu ở TP Đông Hà
Tại huyện miền núi Đakrông, nước sông dâng nhanh khiến các điểm cầu, đập tràn ngập sâu, hàng ngàn hộ dân chịu cảnh cô lập. Ngay trong đêm 7-10, huyện này đã tiến hành di dời 575 hộ với gần 2.500 nhân khẩu đến nơi an toàn. Hiện tại, trên các tuyến đường 588, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 9 đoạn qua huyện này bị sạt lở nặng, nước ngập sâu, chia cắt nhiều điểm. Đường vào trung tâm xã A Vao, xã Ba Nang cũng bị chia cắt tại nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, Ra Lây,Tà Rẹc, A La.
Nước dâng cao gây ngập sâu ở tuyến đường Lê Lợi, TP Đông Hà, Quảng Trị
Mưa lớn còn khiến vùng thấp trũng ở các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và TP Đông Hà (Quảng Trị) bị ngập trên diện rộng, lực lượng chức năng phải túc trực, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân.
Nước ngập sâu ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa
Trong một diễn biến khác, trong sáng nay 8-10, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Quảng Trị đã ban hành công văn hoả tốc yêu cầu tất cả các cơ sở trường học, trung tâm giáo dục trên địa bàn thông báo cho tất cả học sinh nghỉ học từ hôm nay 8-10 và sẵn sàng phương án chủ động sơ tán học sinh và giáo viên ra khỏi vùng nguy hiểm.
Nhiều nhà dân ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị bị nước lũ tràn vào nhà
Mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị đã khiến 1 người chết và 4 người mất tích. Trong đó, tại huyện miền núi Hướng Hóa có 4 người dân bị nước cuốn trôi, đến trưa 8-10 vẫn chưa tìm thấy tung tích; 1 em nhỏ 3 tuổi ở huyện Hải Lăng đang chơi tại sân nhà sát bờ sông Ô Lâu bị trượt chân, đuối nước tử vong.
Lực lượng chức năng TP Đông Hà vào các khu dân cư ngập sâu giúp đỡ người dân
Thừa Thiên - Huế: Nhiều vùng bị cô lập, dân phải di dời
Mưa lớn trong 24 giờ qua đã khiến cho nhiều khu vực bị cô lập, chính quyền phải tiến hành di dời hàng chục hộ. Sạt lở bờ biển ở địa phương này càng gia tăng do triều cường. Học sinh toàn tỉnh đã được cho nghỉ học.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, lượng mưa phổ biến từ 1 giờ ngày 7 đến sáng ngày 8-10 đạt 250-350mm, có nơi như Bạch Mã 505mm, A Lưới 628mm, Tà Lương 507mm. Trên sông Hương tại Kim Long mực nước là +1,66m, trên báo động I là 0,66m; sông Bồ tại Phú Ốc mực nước là +2,09m trên báo động I là 0,59m; sông Tả Trạch tại trạm Thượng Nhật đạt +59,13m trên báo động I là 0,13m; sông Ô Lâu tại trạm Phong Bình +2,56m.
Trạm kiểm lâm ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền bị ngập
Trước tình hình mưa lớn, huyện Phong Điền đã tổ chức di dời tại chỗ 75 hộ, 206 khẩu, chủ yếu người già, trẻ em và các hộ ven sông, thấp trũng tại các xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu. Ngập úng một số điểm trên Quốc lộ 49B đoạn qua xã Phong Bình, huyện phong Điền với độ sâu 0,3 – 0,5 m. Tại TP Huế mưa đã gây ngập úng một số tuyến đường thị khu vực khu Đông Nam Thủy An, một số tuyến đường nội thành.
Khu vực xã Phong Mỹ
Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh TP Huế, cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 5 hồi giữa tháng 9 khiến hơn 15.000 cây xanh trên đường phố bị bật gốc, gãy cành và đang được xử lý. Tuy nhiên, mưa lớn những ngày qua đã khiến cho nhiều cây ở đường Đống Đa cùng một số tuyến đường khác bị bật gốc, gãy cành trở lại. Đơn vị này đã huy động lực lượng xử lý.
Cây xanh bật gốc trên đường phố Huế đã được xử lý
Do mưa lớn đã làm ngập úng hàng chục hecta hoa màu, huyện Quảng Điền, Phú Vang. Trong khi đó, ở huyện A Lưới thì các hộ dân thôn Tam Lanh, xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm bị ngập nước, cô lập. Huyện này đã tổ chức di dời 16 hộ ở A Sáp, Hồng Thượng; 01 hộ dân xã Đông Sơn; 01 hộ dân ở xã A Ngo đã di dời. Hệ thống nước sinh hoạt bị giám đoạn toàn trên toàn huyện. Đường Quốc lộ 49A từ Huế đi A lưới bị sạt lở một số điểm cục bộ.
Xử lý đất đá, cây cối sạt trượt trên đèo Hải Vân
Đường tỉnh lộ 11 qua xã Phong An, huyện Phong Điền sáng nay
Do ảnh hưởng của triều cường bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 9 km ở huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà. Đoạn bờ sông Hương qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 50 m.
Mưa lớn khiến đường lên huyện miền núi bị ách tắc.
Sáng 8-10, Chi cục Quản lý đường bộ 2.6 (Cục Quản lý đường bộ II, Bộ GTVT), cho biết đã cắt cử công chức thanh tra phối hợp với lực lượng của địa phương chốt chặn, điều tiết giao thông tại Km 76+380 trên tuyến Quốc lộ 49A đi qua địa bàn xã Phú Vinh, huyện A Lưới. Đồng thời yêu cầu Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên - Huế tiến hành cào gạt, sửa chữa điểm sạt trượt trên. Dự kiến công tác khắc phục và thông tuyến trở lại vào đầu giờ chiều nay, 8-10.
Hàng ngàn m3 đất sạt xuống mặt đường
Trước đó, vào khoảng 3 giờ sáng nay, do mưa lớn kéo dài nên tại vị trí trên đã xuất hiện điểm sạt trượt taluy dương với khoảng 2.000m3 đất đá tràn xuống mặt đường. Điểm sạt trượt xuất hiện nền đất yếu, nguy cơ sạt trượt tiếp tục nếu mưa lớn, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông qua đây.
Lực lượng chức năng phân luồng
Mưa lớn tại huyện A Lưới cũng đã làm cô lập 2 thôn Tam Lanh (xã Lâm Đớt) và A Hưa (xã Quảng Nhâm) với hàng chục hộ dân; gây sạt lở tại dốc A5 xã A Roàng, sạt lở ta luy trên tuyến đường Hồ Chí Minh với nhiều vị trí đất đá tràn ra mặt đường.
Lực lượng phòng chống lụt bão của địa phương đã bố trí lực lượng người và phương tiện chốt chặn, hướng dẫn người dân khi qua các ngầm tràn nhằm đảm bảo an toàn và san gạt đất đá nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện đi trên tuyến Hồ Chí Minh.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện mực nước sông Hương đạt 1,66m, trên báo động I là 0,66m; sông Bồ 2,09m, trên báo động I là 0,59m.
Bình luận (0)