Ngày 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, chủ trì và có bài phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) trong kỷ nguyên số" (gọi tắt là diễn đàn).
Tác động mạnh của dịch Covid-19
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, cơ quan tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành và 30 điểm cầu quốc tế. Diễn đàn năm 2021 có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã thảo luận, góp ý đối với khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam gắn với phòng chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023. Nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh CNH, HĐH trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền lắp ráp bảng mạch điện thoại của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên Ảnh: NHẬT BẮC
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết từ tháng 12-2019 đến nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện, kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái sâu. Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron có nguy cơ làm tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 giảm từ 0,2-0,4 điểm %. "Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19. Lần đầu tiên tăng trưởng quý III/2021 giảm sâu (-6,17%), đây là mức giảm sâu nhất từ trước đến nay, ước tính GDP của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 2-2,5%" - ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách CNH, HĐH phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông Trần Tuấn Anh cho rằng hiện khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về CNH, HĐH. Công nghệ sản xuất kỹ thuật số tiên tiến có thể thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
"3C" ưu tiên đối với Việt Nam
TS Mary Hallward-Driemeier, Cố vấn Kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới, nhận định cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc - nhưng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và phân khúc của các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Xu hướng toàn cầu hóa và các mô hình của GVC đang điều chỉnh, theo chủ nghĩa dân túy đang gia tăng, căng thẳng thương mại, cũng như những quan ngại lớn hơn về khả năng chống chịu và thích ứng với các cú sốc. Dịch vụ hóa cũng đang tăng tốc, đặc biệt là với mức độ số hóa sâu sắc hơn. Cùng với đó, những giải pháp để các địa điểm đầu tư trở nên cạnh tranh hơn và các ưu tiên chính sách để hỗ trợ theo đuổi các cơ hội mới giúp tăng năng suất và tạo việc làm.
Trước thực tế này, TS Mary Hallward-Driemeier đưa ra giải pháp "3C" ưu tiên đối với Việt Nam, gồm 3 yếu tố: Khả năng cạnh tranh (Competitiveness); Năng lực (Capabilities) và Tính kết nối (Connectedness). Cụ thể, khả năng cạnh tranh gồm: môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, thể chế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều chỉnh, mô hình kinh doanh mới, hợp đồng mới, luật cạnh tranh, tài chính qua điện thoại di động. Năng lực là: kỹ năng của người lao động, kỹ năng kỹ thuật số, khả năng sáng tạo, khả năng quản lý, khung pháp lý thuận lợi để phát triển hệ sinh thái dữ liệu. Tính kết nối gồm: thương mại hàng hóa, hiệu suất logistics, kinh doanh dịch vụ, dòng thông tin quốc tế.
"Việt Nam cần thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 và áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ chiến lược tăng trưởng xanh" - TS Mary Hallward-Driemeier góp ý.
Lo cho gần 100 triệu dân ấm no, bình yên
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khi đạt được độ bao phủ nhất định về vắc-xin và nâng cao năng lực y tế..., Việt Nam đã chuyển hướng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
"Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội" - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt.
Định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng chống đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết một số trụ cột như tập trung nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; xây dựng hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát huy tối đa nguồn lực con người là trung tâm, chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển...
Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh CNH, HĐH, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược, trong đó có hạ tầng giao thông, viễn thông... "Việc bảo đảm điện và sóng điện thoại cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng điện thoại thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số..." - Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc... "Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lo cho gần 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, có cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất" - Thủ tướng nhấn mạnh.
5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch; An sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Trong đó, sẽ tập trung nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xử lý trên nền tảng trực tuyến; phát triển bền vững các thị trường khoa học - công nghệ, lao động, bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Bình luận (0)