Tại Việt Nam, 2 trường ĐH Mở (ĐH Mở Hà Nội và ĐH Mở TP HCM) được Chính phủ thành lập năm 1990 với sứ mạng mang đến cho mọi người các chương trình học tập mở thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời. Trong kỷ nguyên công nghệ số, 2 trường đã không ngừng mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục và đào tạo để mang đến cho người học cơ hội học tập một cách thuận tiện và linh hoạt nhất. Có thể nói, 2 trường đóng vai trò hàng đầu trong triển khai đào tạo trực tuyến trong cả nước.
Điều này thể hiện rõ nét thông qua việc ứng phó một cách thuận lợi với nền tảng và công nghệ đào tạo trực tuyến của 2 trường trước đại dịch Covid-19 trong những đợt giãn cách xã hội tại Việt Nam trong thời gian qua, vẫn bảo đảm việc học và giảng dạy không bị gián đoạn. Sau những đợt ứng phó chuyển sang học trực tuyến, nhận thức của xã hội có nhiều thay đổi tích cực về tính bảo đảm hiệu quả của phương thức đào tạo này.
Chỉ cần một thiết bị điện tử có kết nối internet, một giấc mơ và một động cơ học tập, người học hoàn toàn có thể tham gia học bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên các nền tảng xây dựng bởi ĐH Stanford như Coursera (4/2012), hay edX (5/2012) do Học viện MIT và ĐH Harvard phối hợp thành lập, Udemy, Udacity...
Trong một khoảng thời gian ngắn, ngày càng có nhiều trường, tổ chức giáo dục không chỉ trong nước Mỹ mà các quốc gia khác trên thế giới tham gia đóng góp các khóa học của họ trên các nền tảng này. Chưa bao giờ thế giới lại có một cộng đồng chia sẻ học tập rộng rãi, hiện đại, linh hoạt và chất lượng đến như vậy.
Sự phát triển của MOOCs trên thế giới là tiền đề, là động lực để Việt Nam hướng tới. Phát triển giáo dục của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và sau này không thể nào tách rời khỏi việc ứng dụng công nghệ vào quá trình xây dựng và triển khai. Bên cạnh các chương trình cấp bằng truyền thống, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh các mô hình đào tạo trực tuyến mở đại chúng như VMOOCs ngày càng phát triển.
Tôi hy vọng rằng VMOOCs sẽ là cầu nối các trường đại học, doanh nghiệp với nhau trong việc hợp tác xây dựng, chia sẻ và lan tỏa các khóa học cung cấp kỹ năng, kiến thức, đáp ứng với nhu cầu học tập phong phú của người dân Việt Nam. Đây được xem là nền tảng thúc đẩy việc học tập thường xuyên liên tục, học tập suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập ở nước ta.
VMOOCs khởi đầu với 40 khóa học, trong đó có 1 khóa học liên kết với 1 tổ chức của Úc thể hiện tính quốc tế của dự án và đây là một khởi động tích cực. Tôi tin tưởng VMOOCs sẽ ngày càng phát triển và lan tỏa tích cực để trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có một nền tảng chia sẻ tri thức trực tuyến phong phú về nội dung, đa dạng ngành nghề và hiện đại về công nghệ.
(Lược ghi bài phát biểu tại buổi giới thiệu hệ thống VMOOCs cung cấp khóa học trực tuyến miễn phí cho cộng đồng, ngày 16-1. Tựa do Báo Người Lao Động đặt).
Bình luận (0)