. Phóng viên: Các lĩnh vực được Quốc hội (QH) lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này là xây dựng, nội vụ, thông tin - truyền thông và thanh tra. Theo bà, những vấn đề cụ thể nào đang được cử tri và nhân dân quan tâm?
Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA
- Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: Bốn lĩnh vực được các đại biểu (ĐB) QH lựa chọn dựa trên các cuộc tiếp xúc cử tri, ý kiến phản ánh của người dân cũng như dư luận xã hội. Trong đó, 2 lĩnh vực đang có nhiều vấn đề "nóng" là nội vụ và xây dựng.
Đối với lĩnh vực nội vụ, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, rời bỏ khu vực công là vấn đề nổi cộm gần đây được dư luận quan tâm. Hiện tượng này rất đáng báo động, đặc biệt đối với ngành giáo dục và y tế.
Bên cạnh đó, vấn đề tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc khiến không ít đơn vị xin thôi tự chủ. Việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn tình trạng dôi dư người sau sáp nhập, sáp nhập "cơ học", chưa thực chất. Đây là các vấn đề đặt ra cho ngành nội vụ phải có giải pháp, tham mưu cho Chính phủ để sớm khắc phục, giải quyết triệt để.
Ngành xây dựng cũng có hàng loạt vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, như quy hoạch đô thị, nhất là ở các thành phố lớn. Quy hoạch đô thị đang là bài toán đau đầu với nhiều đô thị lớn. Tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, trên một tuyến đường ngắn mà có tới hàng chục tòa nhà chung cư, gây áp lực rất lớn lên việc cải thiện hạ tầng giao thông. Đây là bài toán lớn mà thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phải vất vả quản lý công tác quy hoạch thế nào để không đi vào "vết xe đổ".
Ngoài ra, công tác quản lý thị trường bất động sản; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhất là tại các khu kinh tế, KCN là nội dung người dân rất quan tâm, mong muốn "tư lệnh" ngành xây dựng sẽ có những giải đáp thấu đáo, thẳng thẳn.
. Từ những vấn đề "nóng" nêu trên, bà kỳ vọng gì ở phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên chất vấn?
- Với những vấn đề cấp bách đó, các bộ trưởng, trưởng ngành cần có các giải pháp trước mắt để giải quyết; đồng thời tham mưu cho Chính phủ các nhóm giải pháp lâu dài. Chúng tôi kỳ vọng các bộ trưởng, trưởng ngành lắng nghe, kịp thời đưa ra những giải pháp và cam kết thực hiện đúng các giải pháp đó để giải quyết các bất cập, tồn tại.
. Sau các kỳ họp, QH đều có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Qua theo dõi, bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện các cam kết trong nghị quyết của các bộ trưởng, trưởng ngành thời gian qua?
- Về cơ bản, các bộ trưởng, trưởng ngành sau khi trả lời chất vấn trước QH đều thực hiện nghiêm túc nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; triển khai các nội dung đã cam kết, đã hứa với cử tri và nhân dân cả nước. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề cử tri quan tâm, ĐBQH chất vấn từ kỳ họp này đến kỳ họp khác, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đành rằng giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế không thể trong ngày một ngày hai song phải thẳng thắn nhìn nhận có những vấn đề tồn tại chậm khắc phục, chưa chuyển biến rõ rệt.
Thậm chí, có những vấn đề được ĐBQH nêu nhưng giải quyết chậm, dẫn đến tình trạng càng phức tạp, tinh vi hơn, như lộ lọt thông tin cá nhân, hay ngăn chặn, xử lý nạn phát tán thông tin xấu độc, tung tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Không phải đến kỳ họp này, việc xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử mới được đưa ra chất vấn. Ngay từ QH khóa XIV, các ĐB đã đề cập vấn đề này nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn.
Xây dựng là một trong những ngành có hàng loạt vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm. Trong ảnh: Chung cư cao tầng xây dựng san sát trên đường Nguyễn Tuân, TP Hà Nội. Ảnh: HỮU HƯNG
. Tại phiên chất vấn lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn. Những vấn đề nào mà ĐB mong muốn người đứng đầu Chính phủ lưu tâm chỉ đạo để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, thưa bà?
- Trong năm 2022, theo báo cáo của Chính phủ, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 8%.
Tuy nhiên, trong 15 chỉ tiêu kế hoạch ước thực hiện năm 2022, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt. Chỉ tiêu tăng NSLĐ dự kiến chỉ đạt 4,7%-5,2% - kế hoạch đề ra là 5,5%. Trong khi đó, đây là một chỉ tiêu quan trọng để có thể đánh giá hiệu suất làm việc của lao động. Việc chỉ tiêu này không đạt chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt.
Đáng lo hơn, nhiều điều kiện khác để tăng NSLĐ như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực… đã được đầu tư nhưng NSLĐ lại không tăng tương xứng, như vậy là lãng phí nguồn lực đầu tư. Nếu không nỗ lực giải quyết trong năm 2023, chỉ tiêu về tăng NSLĐ trong cả giai đoạn 2021-2025 sẽ khó đạt. Để tăng NSLĐ, phải có sự quyết tâm của Chính phủ, sự tập trung cao độ của các bộ, ngành.
Tôi mong rằng Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách, chỉ đạo quyết liệt, tập trung cho vấn đề tăng NSLĐ. Đây là yếu tố cơ bản, quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tác động đến nhiều chỉ tiêu khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như giai đoạn tới.
. Tại mỗi kỳ họp QH, cử tri và nhân dân đều rất mong đợi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thật sự hiệu quả. Theo bà, có phải việc QH không ngừng đổi mới hoạt động này đã tạo được niềm tin trong nhân dân?
- Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của QH không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Các phiên chất vấn diễn ra với không khí thẳng thắn. Ở một số vấn đề, ĐBQH chưa hài lòng với phần trả lời, có thể dùng quyền tranh luận với người trả lời chất vấn để được làm sáng tỏ vấn đề mà ĐB và cử tri quan tâm. Điều đó đã tạo ra không khí cởi mở, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn. Đó là sự đối thoại trực tiếp.
ĐBQH rất có trách nhiệm tại các kỳ họp, bởi những vấn đề đưa ra chất vấn đều được cử tri rất quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Tôi đánh giá cao phần trả lời của các bộ trưởng, trưởng ngành. Các bộ trưởng, trưởng ngành không né tránh, vòng vo trước những tồn tại, hạn chế, bất cập mà thẳng thắn nhìn nhận, nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp khắc phục.
Bốn "tư lệnh" ngành sẽ trả lời chất vấn
Từ chiều 3 đến hết ngày 5-11, theo chương trình kỳ họp thứ 4, QH sẽ bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bốn bộ trưởng, trưởng ngành sẽ lần lượt trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các bộ trưởng, trưởng ngành khác sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình thêm.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Bình luận (0)