Theo Ban Chỉ đạo tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận, không gian đi bộ này đã trở thành một thương hiệu, điểm nhấn của thủ đô, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, hình thành thói quen đi bộ, từng bước hạn chế phương tiện giao thông. Tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận đã được Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao giải đặc biệt về quy hoạch đô thị quốc gia.
Thu hút hàng chục ngàn người mỗi ngày
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết 3 năm qua, trung bình ban ngày có từ 3.000-5.000 người, buổi tối khoảng 15.000-20.000 người đến không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận.
Tại không gian đi bộ khu vực hồ Gươm, các đơn vị đã tổ chức 410 sự kiện văn hóa quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 26 đại sứ quán, 20 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lượng khách du lịch quốc tế lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh (năm 2016 là hơn 1,3 triệu lượt người, đến năm 2019 là hơn 2,3 triệu lượt người).
Tính đến nay, trên địa bàn quận có 176 công ty lữ hành, 585 khách sạn và cơ sở lưu trú với hơn 12.000 phòng. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở. Thu ngân sách nhà nước của quận Hoàn Kiếm năm 2016 đạt 5.387 tỉ đồng, năm 2019 ước tính đạt 9.749 tỉ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận vẫn còn một số tồn tại như: một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ quá tải; một số nút giao thông vào giờ cao điểm vẫn còn ùn ứ; còn cảnh bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, dắt chó không rọ mõm...
Theo ông Phạm Thanh Học, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận là không gian mở, là tài sản của cộng đồng. Do đó, cộng đồng cần chung tay giữ gìn không gian văn hóa này từ những hành động, việc làm nhỏ nhất như: không xả rác bừa bãi, không dắt chó đi dạo, không chen lấn, xô đẩy.
Không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận thu hút đông đảo du khách và người dân. Ảnh: THẾ HUỲNH
Cần nghiên cứu mở rộng
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của phố đi bộ, ngoài sự vào cuộc của quận Hoàn Kiếm, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ thẩm định quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận trong tháng 1-2020, làm cơ sở để UBND quận Hoàn Kiếm hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt. Sở Nội vụ thẩm định dự thảo Đề án tổ chức lại Ban Quản lý khu vực hồ Gươm và phụ cận để thành phố xem xét quyết định trong quý I/2020. Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch sẽ nâng cao chất lượng biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, sản phẩm du lịch…
Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, ở Hà Nội có nhiều di tích, không gian gắn liền văn hóa, lịch sử… thu hút du khách. Vì vậy, TP Hà Nội cũng nên xem xét mở rộng những không gian đi bộ khác để đáp ứng nhu cầu của du khách. Ông Nghiêm cho rằng cần tính toán để biến những tuyến phố như Thanh Niên, phố bích họa Phùng Hưng… thành khu phố đi bộ, bởi các khu vực này liên kết nhiều di tích lịch sử, địa điểm văn hóa… Tuy nhiên, để mở rộng các phố đi bộ, trước tiên cần dung hòa các yếu tố như giao thông, kinh tế, cuộc sống của người dân. Nếu mở phố đi bộ mà kinh tế bị ảnh hưởng, giao thông bị đình trệ thì sẽ phát sinh nhiều tiêu cực. Như tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn được mở ra nhưng không thu hút nhiều du khách, không hấp dẫn vì còn thiếu tính đồng bộ.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng không gian đi bộ giúp người dân, du khách có nơi thoáng đãng để vui chơi, nghỉ ngơi hay để chiêm nghiệm những di tích, những giá trị của lịch sử, văn hóa. Việc mở rộng không gian đi bộ ra nhiều tuyến phố, nhiều điểm di tích khác là cần thiết, mở rộng được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Theo kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, mở rộng được nhiều không gian đi bộ, dần dần Hà Nội sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với du khách. Tuy nhiên, phải tính toán sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Lấy ý kiến về dự án chỉnh trang hồ Gươm
Quận Hoàn Kiếm vừa tổ chức trưng bày phương án thiết kế và lấy ý kiến cộng đồng lần thứ 3 trong 10 năm qua về dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm. Theo ông Phạm Tuấn Long, quận đã cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các hạng mục như: Đài phun nước tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục; trang trí hệ thống chiếu sáng tại đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, đền vua Lê; hệ thống đèn LED xung quanh hồ Gươm, tháp Rùa...
Quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với đơn vị tư vấn của Pháp, Nhật Bản... nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm nhằm cải tạo đồng bộ, hoàn chỉnh không gian công cộng, công viên hồ bảo đảm tính tổng thể toàn diện không gian kiến trúc và hạ tầng khu vực hồ Gươm và phụ cận.
Bình luận (0)