Chiều 23-10, sau nhiều lần liên hệ, thượng tá Võ Đình Thường - Phó Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt (Phòng CSGT) - Công an tỉnh Đồng Nai đã có cuộc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Người Lao Động.
Theo đó, vì bận họp, trả lời nhanh xung quanh thông tin về việc con gái có cổ phần lớn tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO (Công ty Cường Thuận) - nhà đầu tư nắm cổ phần chủ đạo BOT Biên Hòa - ông Thường nói rằng biết con gái làm cùng công ty này, nhưng về việc làm ăn kinh tế như thế nào thì hoàn toàn không biết (?!).
"Con gái tôi lấy chồng hơn 2 năm nay, làm cùng Cường Thuận nhưng công việc làm ăn của nó hoàn toàn không biết luôn"- ông Thường nói.
Trả lời về việc vừa qua ký đã giấy mời tài xế liên quan BOT Biên Hòa lên làm việc trong khi bản thân, gia đình và phía chủ đầu tư có quan hệ mật thiết, liệu có bị cho rằng sẽ thiếu khách quan và mang "điều tiếng" với dư luận, ông Thường cho biết ông làm việc vô tư và theo chỉ đạo của cấp trên chứ hoàn toàn không liên quan vấn đề quan hệ.
Thượng tá Võ Đình Thường, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, người ký giấy mời các tài xế liên quan BOT Biên Hòa lên làm việc
"Ký giấy mời là để làm việc, tuyên truyền giáo dục chứ không phải vì quan hệ gì, vì quan hệ thì chẳng bao giờ tôi mời…"- ông Thường khẳng định.
Trả lời câu hỏi nếu được làm lại việc nhận nhiệm vụ ký giấy mời, để đảm bảo tính khách quan, có thể ông sẽ để người khác nhận nhiệm vụ này hay không; thượng tá Thường một lần nữa khẳng định mình hoàn toàn vô tư khi làm nhiệm vụ. Còn nếu có "lấn cấn" về chuyện quan hệ, thì ông sẽ không ký giấy mời.
Trong ngày, phóng viên tìm đến trụ sở Công ty Cường Thuận để làm rõ hơn một số vấn đề nhưng các lãnh đạo đều đi vắng.
Mấy ngày nay, dư luận xôn xao xung quanh việc thượng tá Võ Đình Thường, Phó trưởng Phòng CSGT- Công an tỉnh Đồng Nai ký giấy mời tài xế liên quan trạm BOT Biên Hòa lên làm việc. Hiện tại, nhiều thông tin cho rằng con gái thượng tá Thường có cổ phần lớn tại trạm thu phí BOT Biên Hòa.
Theo xác minh ban đầu, con gái ông Thường là Võ Minh Th., là vợ một người cháu của một trong những lãnh đạo cao nhất Công ty Cường Thuận; chồng cô cũng chính là một thành viên lãnh đạo công ty.
Theo một văn bản đang lan truyền được cho là nghị quyết HĐQT Công ty Cường Thuận, công ty này từng công bố, con gái thượng tá Thường nằm trong danh sách 10 nhà đầu tư lớn tại đơn vị. Cô Võ Minh Th. có số cổ phần đăng ký mua là 1.200.000 cổ phần (10.000 đồng/cổ phần), tương đương 12 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu sơ bộ, Công ty Cường Thuận tiền thân là Công ty TNHH Cường Thuận, được bà Trương Hồng Loan thành lập năm 2000, ban đầu hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông. Năm 2007, doanh nghiệp này chuyển sang mô hình công ty cổ phần, xin gia nhập làm thành viên Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) và chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO.
Hiện nay trong lĩnh vực BOT, Công ty Cường Thuận đang nắm trong tay 3 dự án lớn là: BOT Biên Hòa; dự án tuyến Quốc lộ 91, 91B và dự án BOT Quốc lộ 16. Công ty Cường Thuận cũng đang triển khai dự án BOT Nút giao 319 và cao tốc TP HCM – Long Thành có tổng mức đầu tư 700 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018, cùng một vài dự án BOT, BT nhỏ khác.
Công ty Cường Thuận còn có một số dự án lớn về khai thác khoáng sản, bất động sản và đầu tư khai thác tiềm năng du lịch. Đơn vị này cũng là nhà đầu tư chính tham gia dự án BOT chuyên dụng tại khu mỏ đá Tân Cang đang lùm xùm trong đầu tư.
Thượng tá Võ Đình Thường - người ký giấy mời các tài xế liên quan BOT Biên Hòa lên làm việc- từng là trạm trưởng Trạm Tuần tra kiểm soát giao thông Dầu Giây (Quốc lộ 1) bị kỷ luật ra khỏi lực lượng CSGT năm 2003. Thời điểm đó, ông Thường cùng 10 cán bộ, chiến sĩ của trạm bị kỷ luật. Công an tỉnh Đồng Nai thời điểm đó kết luận, ông Thường đã thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra tình trạng cấp dưới vi phạm quy trình tuần tra kiểm soát, có biểu hiện tiêu cực. Sai phạm của ông Thường làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành. Vụ tiêu cực thời điểm đó bị phanh phui theo đó có kết luận việc nhận hối lộ, tổ chức làm luật với ô tô ở khu vực trạm quản lý đã thành hệ thống.
Bình luận (0)