Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu - Video: Văn Duẩn
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (cuộc vận động) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tổ chức sáng nay 2-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cuộc vận động đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt, nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu - Ảnh: Quang Vinh
Dẫn lại kết quả điều tra xã hội học trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động về tỷ lệ người dân khẳng định sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng đánh giá đây là những con số ấn tượng, dù sự chuyển biến chưa nhiều.
"Năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%, tức là có sự tăng dần lên, tuy rằng chưa nhiều lắm. Tới đây ta phải cố gắng nhiều nữa. Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định cuộc vận động là chủ trương đúng, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về sản xuất và tiêu dùng hàng hóa Việt Nam; đồng thời, tạo nên diện mạo mới về hàng Việt trên thị trường, khẳng định sự vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam" - Thường trực Ban Bí thư bày tỏ.
Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: Văn Duẩn
Dù đạt được nhiều kết quả, song việc triển khai còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp chưa quan tâm đúng mức triển khai cuộc vận động. Ban chỉ đạo địa phương chưa chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cuộc vận động này.
Hạn chế khác, theo Thường trực Ban Bí thư, là công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa thường xuyên. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi. "Đây là vấn đề rất nhức nhối. Cái này là đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam. Không thể nói bây giờ thực phẩm chức năng sản xuất từ than củi"- ông Trần Quốc Vượng nói.
Phân tích thêm vấn đề này, ông Trần Quốc Vượng cho rằng để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy và các ngành quản lý ở cơ sở. "Tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở. Hàng (giả) người ta sản xuất mấy năm liền, tại địa bàn dân cư như thế mà chính quyền không biết được là làm sao?"- ông Trần Quốc Vượng nói.
"Vừa rồi ở Hải Phòng, xảy ra ngay tại đô thị, hàng mấy trăm người nước ngoài vào hoạt động tội phạm một thời gian dài mà chúng ta không phát hiện. Đây là công của ngành công an nhưng thông qua đó thấy rõ yếu kém, sơ hở. Nếu chúng ta cứ để thế này thì rất nguy hiểm, không biết sẽ diễn ra thế nào"- Thường trực Ban Bí thư nêu ra và đề nghị các cấp ủy quan tâm vấn đề này vì quản ý từ cơ sở là bài học mà cha ông ta để lại.
"Hôm nay có các đồng chí chủ tịch, bí thư các tỉnh ở đây đề nghị cấp ủy quan tâm cái này. Quản lý từ cơ sở, đây là bài học các cụ nhà ta để lại. Chúng ta thắng được tất cả các cuộc kháng chiến như thế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảm bảo an ninh như thế là chúng ta mạnh từ cơ sở, cấp ủy đoàn thể, chính quyền và cơ quan chức năng"- ông Trần Quốc Vượng lưu ý.
Về phương hướng trong thời gian tới, ông Trần Quốc Vượng cho rằng cuộc vận động cần phải được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn và nhấn mạnh cốt lõi của cuộc vận động phải là chiếm lĩnh thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước chứ không phải là phong trào bình thường. Do đó, các cơ quan chức năng phải quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung - cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Quan tâm khuyến khích thị trường trong nước phát triển lành mạnh, tăng cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt Nam.
Bình luận (0)