"Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một người thông tuệ nhưng lại có lối sống rất giản dị, khiêm tốn, gần dân và thương dân; đặc biệt ông là người đặt nền móng cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng trong thời kỳ đổi mới"- Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã chia sẻ như vậy khi trao đổi cùng phóng viên Báo Người Lao Động khi hay tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần sáng sớm ngày 7-8-2020.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trao đổi cùng phóng viên Báo Người Lao Động - Ảnh: Ngô Nhung
"Tôi được tổ chức và người thân của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu báo tin ông mất lúc sáng sớm. Rất thương tiếc người thủ trưởng rất đáng kính. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất đi là tổn thất lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân" - Thượng tướng Phạm Thanh Ngân bồi hồi.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân cho biết ông và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gắn bó gần gũi từ lâu, kể cả những năm sau khi đã nghỉ hưu, hai người vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi về những vấn đề thời sự, cấp bách của đất nước.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cả một đời lăn lộn trong quân ngũ, trải qua chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, đi lên từ một người lính binh nhì, sau đó trải qua các cấp, chức vụ cho đến Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và sau này là Tổng Bí thư (khoá VIII); đại biểu Quốc hội khóa IX, X. "Có thể nói đồng chí rất dày kinh nghiệm và có uy tín cao, mới giữ những trọng trách như thế" - Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nhận định.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nói về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - clip: Ngô Nhung
Theo Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất tâm huyết với công tác xây dựng Đảng, bao giờ cũng đặt vấn đề xây dựng Đảng là then chốt và rất chú ý đến đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, sao cho phù hợp, lập lại kỉ cương trong Đảng. Bởi thực tế trong Đảng cũng có những giai đoạn có vấn đề này, vấn đề khác không đi đúng quỹ đạo, thì nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất kiên quyết để chấn chỉnh, mà đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã ra đời trong bối cảnh đó.
"Vì sao có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2)? Đó là vì ở trong Đảng có một số vấn đề suy thoái, cả về tư tưởng chính trị cũng như lối sống - dù mới chỉ chớm nở, bắt đầu thì bị phát hiện. Và lúc đó Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bộ Chính trị đã họp bàn và quyết định phải có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) - mặc dù trước đó đã có Nghị quyết Trung ương 6 rồi, để chấn chỉnh, chỉnh đốn kịp thời" - Thượng tướng Phạm Thanh Ngân nhớ lại.
Thượng tướng Phạm Thanh Ngân chúc mừng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu 90 tuổi hồi tháng 1-2020 (Ảnh nhân vật cung cấp, Ngô Nhung chụp lại)
Theo Thượng tướng Phan Thanh Ngân, ở thời điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) năm 1999, cá nhân ông cũng được giao phụ trách một vài tỉnh và làm việc rất kĩ với các địa phương về vấn đề này. "Có địa phương làm cả 10 ngày trời và sau này cảm thấy rất tuyệt vời vì Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã kịp thời ngăn chặn sự suy thoái - dù thời điểm đó mới manh nha, còn rất nhỏ. Nghị quyết thực sự rất có ý nghĩa, tạo nên một sức mạnh mới, sức chiến đấu mới để xây dựng Đảng và lấy lại lòng tin của nhân dân" - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Thanh Ngân nói.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người phát hiện sớm những vấn đề suy thoái, chống tham nhũng và Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) được ban hành, làm rất quyết liệt, nghiêm túc. "Sinh hoạt Bộ Chính trị, họp cả chục ngày, tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị đều phải kiểm điểm, không loại trừ ai, kể cả Tổng Bí thư cũng phải báo cáo, kiểm điểm. Tất cả góp ý rất thẳng thắn, chỉ cho người nọ, người kia những thiếu sót để chấn chỉnh, sửa chữa" - ông Phạm Thanh Ngân nói.
Theo Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có quan điểm quần chúng rất đặc biệt, với lối sống rất giản dị, đặc biệt rất chú ý đến những người dân nghèo: "Đi đến đâu, thấy dân nghèo là đồng chí chỉ đạo rất sát, để các cấp ngành, chính quyền địa phương hay lực lượng quân đội vào cuộc chăm lo, giúp dân chu đáo. Là một Tổng Bí thư, đồng chí ăn mặc vô cùng giản dị; sống rất chan hoà, không bao giờ xa cách với cấp dưới hay với nhân dân".
Bình luận (0)