Sinh năm 1998, trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn thuộc xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, mồ côi mẹ từ bé, Phạm Thái Sơn ham học và học giỏi đều các môn, được kết nạp vào Đảng khi đang học lớp 12 tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh vào tháng 6-2016.
Sĩ quan xuất sắc
Sơn được tuyển thẳng vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng với nguyện vọng bản thân, Sơn thi vào Học viện Biên phòng, khóa 30, chuyên ngành quản lý, bảo vệ biên giới tháng 8-2016.
Trong học viện, Sơn luôn là tấm gương sáng về ý chí tự học, tự rèn luyện, nhiều sáng kiến từ giảng đường đến thao trường, được đồng đội tin yêu. Sơn còn tham gia các phong trào, hoạt động truyền thống như diễn đàn "Âm vang chiến thắng Điện Biên", hoạt động thiện nguyện "Tết yêu thương, ươm mầm tri thức"...
Ngoài kết quả học tập xuất sắc, Sơn còn đạt nhiều thành tích ấn tượng: Giải Nhì phong trào tuổi trẻ sáng tạo lần thứ 11; Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) - có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Bằng khen thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19...
Thượng úy Phạm Thái Sơn (thứ ba từ trái qua) cùng đồng đội tặng quà cho gia đình chính sách
Tốt nghiệp tháng 8-2020 với tấm bằng xuất sắc, được phong quân hàm trung úy, được phân công làm Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt, năm 2021 là Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Từ tháng 8-2023, thượng úy Phạm Thái Sơn là Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sơn Hồng - BĐBP tỉnh Hà Tĩnh. Anh là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu trong toàn quốc, vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP tuyên dương "Gương mặt trẻ tiêu biểu", "Gương mặt trẻ triển vọng" - BĐBP năm 2021, đại biểu chính thức Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ 16 nhiệm kỳ 2022- 2027.
Lan tỏa yêu thương cùng đồng bào vùng biên
Thực hiện nhiệm vụ của BĐBP "Ba bám - Bốn cùng": Bám địa bàn, bám chủ trương, bám chính sách; Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào và "Giỏi một việc, biết nhiều việc", ở các vị trí Đội phó, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Phạm Thái Sơn đã thật sự gắn kết với miền biên viễn tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh không chỉ bằng kiến thức được học bài bản trong học viện, mà còn là từ trái tim nhiệt huyết thanh xuân, từ tình yêu thương đất và người nơi mình nhận nhiệm vụ công tác.
Anh Sơn trò chuyện, động viên cháu Trần Thị Bảo Ngọc .Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thấm nhuần sâu sắc khẩu hiệu hành động: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" và phương châm "Nghe được dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin", thượng úy Phạm Thái Sơn đã có mặt ở các bản làng vùng biên để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế.
Trên cương vị được giao, Sơn cùng đồng đội tham gia thực hiện tốt phong trào "Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau". Anh tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương nhiều chính sách, hỗ trợ để giúp người dân ổn định cuộc sống, tìm kiếm cơ hội vươn lên thoát nghèo. Anh cùng đồng đội phối hợp với Đoàn thanh niên các xã biên giới trên địa bàn đồn quản lý để chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.
Sơn còn tham mưu Ban Chỉ huy đồn duy trì, thực hiên tốt chương trình "Hũ gạo tình thương"; "Nâng bước em tới trường", mô hình "Con nuôi Đồn Biên phòng"; triển khai mô hình "Đàn ngan khăn quàng đỏ", "Lợn giống cho người nghèo", tạo mô hình sinh kế cho người nghèo tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều mô hình do Sơn đề xuất đã được triển khai và hướng dẫn đồng bào thực hiện đạt hiệu quả cao: Sản xuất rau sạch, chăm sóc đàn dê, hỗ trợ người già bán chổi chít... Đặc biệt, thực hiện mô hình dân vận khéo, Sơn đã tham mưu, vận động địa phương thành lập 12 chòi "Du lịch cộng đồng - đồng hành cùng người nghèo" tại xã Trung Sơn, phát triển kinh tế, lấy kinh phí gây quỹ giúp các hộ gia đình nghèo, bước đầu đã có thu nhập.
Sơn kể câu chuyện vui, làm "thương gia bất đắc dĩ" kiêm "shipper". Anh thường xuyên đăng ảnh trên trang cá nhân để chào bán giúp các nông sản và sản phẩm gia dụng như chổi đót, rổ rá đan từ mây tre... của người dân sản xuất, cuối tuần chạy xe máy đến nhà các cụ cao tuổi để nhận hàng, rồi chạy quanh huyện giao cho khách đặt mua, buổi tối trở về trao trả cho từng người số tiền thu được.
Cha đỡ đầu của trẻ vùng biên
Một trong những mô hình hoạt động phong trào của lực lượng biên phòng là "Con nuôi biên phòng" - đỡ đầu, nhận nuôi và hỗ trợ các trẻ mồ côi, khó khăn vùng biên có điều kiện sống ổn định, được đi học... Nhiệm vụ đầu tiên của Phạm Thái Sơn, trung úy, tân cử nhân biên phòng, 22 tuổi, ở Đồn Biên phòng A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chưa kịp bỡ ngỡ, đã làm "bố" - chăm sóc, dạy dỗ em Lê Văn Thìn, học lớp 7, người Tà Ôi, là "Con nuôi biên phòng" của đơn vị.
Thấu hiểu cảm giác thiếu thốn tình cảm như thế nào, Sơn yêu thương, quan tâm và động viên, rèn ý thức học hành, phấn đấu, tự lực, những giao tiếp kính trên nhường dưới, sống nhân ái... để em không tủi thân, có được niềm vui trong cuộc sống, mai này trở thành một công dân tốt. Đáp lại công sức của "bố" Sơn, em Thìn đã được nhà trường tặng giấy khen học sinh tiên tiến.
Đơn vị thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" đỡ đầu 6 em học sinh, riêng Sơn được giao làm "bố" em Lê Thanh Tùng, học lớp 6. Sau đó là tiếp tục làm "bố" của 3 em đều mồ côi cha, đang theo học tại Trường THPT-THCS Hồng Vân, huyện A Lưới.
Không chỉ làm "bố" của các trẻ mồ côi hay có hoàn cảnh ngặt nghèo, Sơn còn cùng đồng đội thực hiện các phong trào khơi nguồn tri thức văn hóa bằng các hoạt động "Tiết học biên giới", "Nâng bước em đến trường", "Tiếp sức mùa thi, "Ngày chủ nhật xanh"... Anh cùng đồng đội, cùng cô giáo Đàm Thị Hoa và cán bộ mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung, xin dự án tình nguyện quốc gia hỗ trợ cơm trưa cho học sinh, thực hiện mô hình "bữa cơm bán trú" cho rất nhiều học sinh ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới để học sinh yên tâm học tập.
Nhận nhiệm vụ mới ở Đồn Biên phòng Sơn Hồng - BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, thượng úy Phạm Thái Sơn vẫn luôn quan tâm đến những em nhỏ. Ngoài làm "bố" và vẫn luôn kết nối các em ở đơn vị cũ, Sơn và các đồng đội ở đơn vị mới tiếp tục đồng hành với CLB "Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh", trực tiếp kết nối các tổ chức, cá nhân đỡ đầu 3 em học sinh trong chương trình "Nâng bước em tới trường" trên địa bàn xã Sơn Hồng và triển khai dự án Ngôi nhà xanh "Tiếp sức đến trường" đặt tại UBND xã Sơn Hồng, đỡ đầu các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chắp cánh ước mơ để các em nhỏ vùng biên giới xã Sơn Hồng đều được đến trường.
Trong suốt hơn 3 năm công tác sau khi ra trường, là những chuỗi hoạt động tích cực vì an ninh chủ quyền toàn vẹn vùng biên giới, vì bình yên cuộc sống các gia đình đồng bào dân tộc vùng biên trong phạm vi trách nhiệm của mình, thượng úy biên phòng Phạm Thái Sơn cùng đồng đội đã mang đến sự ấm áp, yêu thương, chia sẻ với đồng bào vùng biên giới, được đồng bào tin yêu.
Đồng bào chỉ tin những gì tai nghe mắt thấy
Dù chuyển về đơn vị mới đúng dịp Trung thu 2023, thượng úy Phạm Thái Sơn đã cùng đồng đội ở Đồn Biên phòng Sơn Hồng phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn), Trường THPT-THCS Sơn Hồng, nhóm "Kết nối yêu thương", tổ chức chương trình "Trung thu biên cương" năm 2023 cho trẻ em trên địa bàn.
Bộ đội Biên phòng tặng con giống cho người dân làm kinh tế gia đình
Sơn tâm sự: "Đồng bào dân tộc là những người chân chất thật thà, nếu nói mà không làm thì lời nói cũng như lá cây trôi theo dòng nước, đồng bào chỉ tin vào những gì tai nghe mắt thấy, những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho đời sống thì họ mới tâm phục khẩu phục...". Nói đi đôi với làm, Sơn đã nhận được sự tin yêu của đồng bào ở những vùng biên nơi nhận nhiệm vụ.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)