Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Chư Sê, tỉnh Gia Lai vừa cùng lực lượng chức năng của huyện này đã đi kiểm tra công trình thủy lợi Pleikeo (xã Ayun, huyện Chư Sê) sau khi Báo Người Lao Động liên tục thông tin.
Báo Người Lao Động đã cùng đi với đoàn và ghi nhận thực tế công trình này.
Theo đó, tuyến kênh dẫn của thủy lợi dài hơn 15.6km, đi qua nhiều khu vực cánh đồng nhưng không thể tự chảy vào ruộng mà phải nhờ đến máy bơm.
Kênh dẫn nước của công trình thủy lợi Pleikeo chạy giữa 4ha ruộng của nhà ông Đinh H’nơi (làng Keo, xã Ayun). Do kênh dẫn này thấp hơn mặt ruộng nên ông phải thuê máy múc hơn 215 triệu đồng để hạ thấp mặt ruộng xuống. Tuy vậy, kênh vẫn thấp hơn mặt ruộng khoảng 1m nên ông phải mượn máy bơm của xã bơm nước tưới cho lúa.
Kênh dẫn sâu bên dưới ruộng, người dân phải dùng máy bơm lấy nước tưới
Nhiều hộ dân khác thì tìm cách dẫn nước bằng ống từ chỗ cao về hoặc thiết kế bánh xe quay nước từ kênh mương đưa lên ruộng.
Khi phê duyệt đầu tư công trình thủy lợi Pleikeo, UBND tỉnh Gia Lai dự kiến nếu đi vào hoạt động thủy lợi này có năng lực tưới khoảng 500 ha cây trồng; trong đó 400 ha lúa, còn lại là cây hoa màu của người dân 10 làng thuộc xã Ayun, huyện Chư Sê.
Tuy nhiên, nước từ kênh mương không thể tự chảy vào các đồng ruộng nên mục tiêu này không thể đạt được. Về nghịch lý kênh dẫn qua ruộng nhưng nước không thể chảy vào ruộng thì ông Hà cho rằng do địa hình phức tạp, độ chênh cao từ mặt cống lấy nước trên đập đầu mối đến khu tưới hạ lưu cuối cùng chỉ khoảng 20m mà chiều dài kênh tưới hơn 15.6 km nên áp lực yếu.
Người dân phải làm kênh dẫn phía trên mương nước để lấy nước vào ruộng
Nếu đưa kênh dẫn lên cao bằng mặt ruộng thì nước không chảy được về phía vùng hạ lưu cuối cùng với diện tích cần nước tới hàng trăm ha. Việc xây dựng hệ thống đường ống nước như vậy đã được tính toán kĩ lưỡng và là việc bất khả kháng. "Hệ thống đập này chưa được đầu tư đồng bộ, mới chỉ được phần thân đập và kênh dẫn chính mà chưa có các tuyến kênh nội đồng đưa nước tới từng ruộng. Việc này sẽ được khắc phục khi có các tuyến kênh nội đồng" – ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, mục tiêu công trình 119 tỉ đồng này là tưới được khoảng 500ha đất nhưng thực tế hiện mới chỉ được khoảng 150ha. Để hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng sẽ cần khoảng 60 tỉ đồng nữa. Huyện Chư Sê đã đăng ký với tỉnh để đưa gói 60 tỷ đồng vào xây dựng và đang chờ HĐND tỉnh thông qua. "Với gói đầu tư 119 tỷ đồng như hiện nay đã xong phần đập và kênh chính, còn hệ thống kênh mương nội đồng vẫn chưa làm. Chính vì vậy chưa thể khai thác tối đa được nguồn nước phục vụ người dân" – ông Hà kết luận.
Bình luận (0)