xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tịch thu hay đánh thuế tài sản bất minh?

Bài và ảnh: Minh Chiến

Nhiều ý kiến cho rằng cần tịch thu tài sản bất minh của cán bộ, công chức thay vì đánh thuế 45% như dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý. Theo đó, qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%. Lý giải về phương án này, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho rằng sẽ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, thể hiện thái độ của nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng.

Không có cơ sở để xác định mức thuế

Theo ông Khái, việc thu thuế đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch giữa thực tế và kê khai hoặc tăng thêm chỉ được áp dụng sau khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã xác minh, kết luận người kê khai không giải trình hợp lý nhưng cũng chưa có đủ bằng chứng kết luận có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Tổng TTCP Lê Minh Khái khẳng định quy định đánh thuế 45% với tài sản bất minh không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản.

Nói về tài sản không rõ nguồn gốc, không giải trình được, luật sư (LS) Trương Quốc Hòe (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết đó là tài sản không thể chứng minh được nguồn gốc hình thành là do việc tạo lập, chiếm hữu, chuyển nhượng, tặng cho hay thừa kế. "Ở Việt Nam, người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế tài sản trong gia đình. Ngoài ra, tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (thu nhập từ lương, làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức" - LS Hòe nói. Trong khi đó, chưa kể đến việc tài sản không rõ nguồn gốc sẽ bị tẩu tán, chuyển hóa, sang tên những người thân trong gia đình để che giấu, tránh nghĩa vụ kê khai nên rất khó để xác định.

Theo LS Hòe, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định mức thuế suất này dao động từ 5%-35% tùy trường hợp cụ thể. Do đó, việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc là không hợp lý bởi tài sản không chứng minh được tính hợp pháp thì sẽ không có cơ sở để xác định mức thuế.

Góp ý về dự thảo lần này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho rằng mức thuế 45% được đưa ra là không có căn cứ. Theo ông, nếu thuộc diện thuế suất thì phải có mặt bằng chung và thực hiện theo Luật Thuế, còn nếu là thuế suất đặc biệt thì phải chỉ rõ cơ sở và văn bản nào điều chỉnh.

Tịch thu hay đánh thuế tài sản bất minh? - Ảnh 1.

“Biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, người bị kết luận kê khai tài sản không trung thực

Khó "lộ diện"

Hiện nay, thu nhập của cán bộ ngoài lương còn được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Mặc dù đã có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, kê khai tài sản nhưng những số liệu báo cáo hằng năm cho thấy việc làm này còn rất hình thức. Cụ thể năm 2017, cả nước có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập cá nhân nhưng qua kiểm tra, xác minh thì chỉ phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Nhiều năm trước đó, các trường hợp vi phạm bị phát hiện cũng rất khiêm tốn.

Một trường hợp nổi bật về việc kê khai tài sản thiếu trung thực và khó truy nguồn gốc vừa bị TTCP chỉ rõ là ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Gia đình ông Quý sở hữu khối tài sản khủng với "biệt phủ" hàng ngàn mét vuông ở TP Yên Bái, nhưng tất cả đều đứng tên vợ ông này. Giải trình với cơ quan chức năng, ông Quý cho biết nguồn tiền xây dựng "biệt phủ" đều do vay ngân hàng, người thân, bạn bè. Trong khi đó, TTCP cho rằng không thể truy nguồn gốc khối tài sản khủng của gia đình ông Quý.

Do vậy, những lo ngại sẽ khó khăn trong việc xác định tài sản bất minh là hoàn toàn có cơ sở. Bên cạnh đó, người có nghĩa vụ kê khai sẽ không tự giác kê khai số tài sản mà họ không chứng minh được nguồn gốc. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện, xử lý vi phạm trong trường hợp không kê khai hoặc kê khai không trung thực. Đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm tra, xác minh và có cơ quan chuyên trách hay không? 

Đề xuất giao TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chính phủ đề xuất quy định về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập trong dự thảo luật quy về đầu mối hệ thống thanh tra. Theo đó, TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Chính phủ lựa chọn phương án này để hình thành tập trung hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập với 120 đầu mối trên phạm vi toàn quốc với vai trò thống nhất quản lý, hướng dẫn thực hiện của TTCP.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội:

Tịch thu và xử lý hình sự

Từ thực tế nhiều năm qua, việc thu hồi tài sản tham nhũng, chứng minh nguồn gốc những khối tài sản "khủng" rất khó khăn nên có thể đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Việc đánh thuế 45% có thể coi là "thuế đặc biệt" và cũng là biện pháp khả thi trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, con số 45% trong trường hợp này cần phải xem xét lại vì dựa trên cơ sở nào, có căn cứ pháp luật hay không?

Trong trường hợp tài sản che giấu, tài sản không giải trình được nguồn gốc vì tham nhũng hoặc do vi phạm pháp luật nhưng chưa bị phát hiện mà đánh thuế 45% là hợp thức hóa cho hành vi tham nhũng. Đặc biệt, nếu mức thuế cao hơn 45% thì những người vi phạm, tham nhũng vẫn có lợi. Do vậy, trường hợp này phải tịch thu và xử lý hình sự.

Quy định đánh thuế 45% đối với tài sản giải trình không hợp lý cũng chỉ là biện pháp phòng ngừa, răn đe trong công tác phòng chống tham nhũng chung. Gốc rễ của công tác này vẫn là phải quản lý được nguồn thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng:

Không thể hợp thức hóa

Tài sản mà những người thuộc diện phải kê khai không giải trình được nguồn gốc thực chất là tài sản bất minh, tài sản tham nhũng. Đã là tài sản bất minh thì không thể nộp thuế rồi công nhận nó được. Do vậy, quy định đánh thuế 45% là không phù hợp.

Nhiều năm qua, số lượng người thuộc diện phải kê khai tài sản là rất lớn nhưng qua kiểm tra, xác minh chỉ phát hiện vài trường hợp vi phạm về việc kê khai. Điều đó cho thấy việc kê khai tài sản chỉ là hình thức, tốn kém tiền của trong khi hiệu quả về phòng, chống tham nhũng không đạt được. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là các thông tin về kê khai tài sản, các bản kê khai tài sản chưa được công khai, đang thuộc diện "bí mật". Trong khi đó, báo chí, người dân chưa thể tiếp cận được các thông tin này để đánh giá, thực hiện vai trò giám sát.

LS Bùi Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội):

Rất phi lý!

Không thể quy định như dự thảo được. Đã là tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải bị coi là tài sản bất hợp pháp. Nhà cửa, xe cộ, tiền, vàng... của các đối tượng buôn bán ma túy, rửa tiền... thì bị tịch thu; nay tài sản người có chức vụ, quyền hạn (chủ thể của việc thực hiện hành vi tham nhũng) không chứng minh được nguồn gốc là hợp pháp chỉ bị đánh thuế 45% thì rất phi lý!

Nếu dự thảo này được thông qua sẽ xảy ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất, mục tiêu chống tham nhũng không đạt được; chống tham nhũng theo kiểu nửa vời, vừa đánh vừa xoa. Đối tượng tham nhũng sẽ an tâm vì đã đánh thuế là thừa nhận tới 55% tài sản bất hợp pháp, còn lại là tài sản hợp pháp. Do đó, không thể quy định đánh thuế với tài sản bất hợp pháp mà phải tịch thu toàn bộ. Đối với chủ sở hữu thì xem xét xử lý theo quy định, đồng thời truy xét nguồn thu nhập để xử lý hình sự về các tội tham nhũng tương ứng với các hành vi đã thực hiện.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo