xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tiếc thương "lão nông" Hai Nghĩa!

MINH SƠN - TÂM MINH

Sống chính trực và gần gũi nhân dân, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được người dân thân thiết gọi là ông Hai Nghĩa

Ngày 20-2, lễ viếng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng (tên gọi thân mật là ông Hai Nghĩa) được tổ chức tại nhà riêng ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Dân khóc tiễn đưa

Trời vừa hửng sáng, rất đông người dân đã xếp hàng dài trên con đường dẫn vào nhà ông Hai Nghĩa để thắp nén hương tiễn biệt người lãnh đạo gần gũi với nhân dân. Bà Trần Thị Thơm, láng giềng ông Hai Nghĩa, bày tỏ: "Lúc ông còn làm việc ở tỉnh, về nhà thì chào hỏi láng giềng như người thân. Khi ra Hà Nội làm Phó Thủ tướng cũng vậy, ngày nào về đến nhà là kêu mọi người đến uống trà rồi kể chuyện cuộc sống của người dân đây đó cho bà con nghe. Rồi ông khoác bộ đồ nhà nông ra ruộng, vườn".

Ông Trần Văn Thôn (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: "Khi nghe tin ông Hai Nghĩa mất, cả xóm ai cũng xót thương và không tin đó là sự thật. Trong một lần đường điện được kéo về đây, tôi vẫn còn nhớ như in ông Hai Nghĩa hô rất to trong lần làm lễ kỷ niệm ngày Đồng Khởi: "Bà con ơi, làng cù lao mình đã có điện! Chúng ta không còn cảnh hằng đêm phải thắp đèn dầu leo lét. Từ nay, tỉnh ta được sáng bởi đèn điện rồi". Nói đến đây, ông Thôn nghẹn giọng, rưng rưng nước mắt.

Trong ký ức của người dân xứ dừa Bến Tre, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là người mẫu mực, sống bình dân và đóng góp to lớn vào những công trình phúc lợi của địa phương. Bà Võ Thị Ràng (62 tuổi, nhà cạnh ông Hai Nghĩa) kể: Từ lúc về hưu, mỗi sáng ông hay gọi mọi người chạy bộ, tập thể dục rồi cùng nhau uống trà. Bà con lối xóm có khó khăn gì thì ông luôn tìm cách giúp đỡ. "Lần nhớ nhất trong đời tôi là ông đề xuất với Chính phủ xây cầu Rạch Miễu để người dân thoát cảnh lụy phà. Ngày khánh thành cầu, ông là lãnh đạo mà phát biểu rất gần với dân. Ông nói tỉnh ta đã có cây cầu rồi, chiếc cầu nối đôi bờ Tiền Giang và Bến Tre, không còn cảnh đò ngang cách trở nữa" - bà Ràng nhớ lại.

chốt 3 thay

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (thứ hai từ phải sang) và tác giả (bìa phải)Ảnh: C.T.V

Một lần viếng nhà nguyên Phó Thủ tướng

Sau chuyến công tác Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hồi năm 2018 để khảo sát và đẩy nhanh tiến độ tôn tạo Khu Di tích quốc gia nhà tù A1, A2, B1, B2 Phú Quốc do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khởi xướng và chỉ đạo, chúng tôi về TP HCM rồi ghé thăm nhà bác Hai Nghĩa.

Trong suy nghĩ của tôi, nơi ở của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, người đi đầu trong công tác cải cách tư pháp Việt Nam chắc là bề thế, ít nhất phải nằm mặt tiền đường. Nhưng thật bất ngờ, nhà nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM - hẻm hẹp tới mức ôtô không thể vào được. Chúng tôi đi bộ gần 300 m mới đến một căn nhà với bề ngang 4 m, dài khoảng 10 m thì có Trúc - con gái bác Hai Nghĩa - ra đón. Trúc là chủ nhà hàng bánh xèo "Ăn là ghiền" chúng tôi đã quen từ trước, bảo "ba đang ở lầu 1 đợi các anh".

"Lầu 1" khá chật, chỉ đơn sơ vài bức tranh treo tường, chiếc xe đẩy của đứa cháu nội cùng bộ bàn nhựa với mấy chiếc ghế nhựa xếp chồng lên nhau để bớt chiếm diện tích, đủ cho 5 người ngồi. Bác Hai Nghĩa trong trang phục giản dị, giọng nói còn sang sảng, ấm áp, thân thiện, trò chuyện cùng chúng tôi rất lâu về công việc, sức khỏe, đời thường...

Lúc ra về, trong tôi còn lâng lâng mãi cái cảm giác lần đầu viếng nhà nguyên Phó Thủ tướng và bất ngờ trước sự bình dân của gia chủ lẫn căn nhà. Tôi hứa lần sau sẽ về thăm bác Hai Nghĩa ở quê ông - ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Thế mà, thấm thoắt đã 3 năm, vì bận lo cơm áo gạo tiền, chưa kịp đi, nào ngờ chia tay bác vĩnh viễn. Nay tôi về nhà bác, thắp nén hương đưa tiễn với lòng kính phục và sự tiếc thương vô bờ!

Hùng Linh

Tấm gương sáng

Có mặt từ sáng sớm trong lễ tang của ông Hai Nghĩa, Trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, cho biết: "Tháng 4-1968, tôi vinh dự được biết anh Hai Nghĩa lần đầu tiên trong một chuyến công tác rước đoàn cán bộ tỉnh về Quân khu 8. Sau giải phóng, tôi gặp lại anh vài ba lần. Có thể nói, anh Hai Nghĩa là người cán bộ vừa có đức vừa có tài. Có lần anh nói với tôi: "Tư Bốn, bây giờ đánh giá tình hình đất nước mà toàn "đen thui" thì không thể làm cán bộ được. Còn nhìn thấy toàn "màu hồng" thì cũng không nên, mà phải ở thế "trung bình tấn". Anh đánh giá rất kỹ về tình hình kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh trật tự trong nước; luôn cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng".

Ông Huỳnh Văn Be, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bày tỏ: "Sự ra đi của anh Hai Nghĩa đã để lại sự tiếc thương vô hạn cho người dân tỉnh nhà. Suốt những năm qua, trong ký ức của mỗi người, nhất là những người đã từng gặp, từng có dịp làm việc với anh, luôn nhớ về hình ảnh người cán bộ hết lòng vì người dân Bến Tre, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách".

Theo ông Huỳnh Văn Be, ông Hai Nghĩa là người lãnh đạo luôn đặt lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân lên hàng đầu; một nhà chính trị mẫu mực, tài ba, nhiệt huyết mang đậm chất Nam Bộ. Phong cách làm việc của ông như một thầy giáo, cuộc sống giản dị, gần gũi. Trong giải quyết vấn đề, ông luôn dùng nhân tâm, không đao to búa lớn. "Có lần tôi hỏi anh Hai Nghĩa về công tác cán bộ, anh bảo: "Tụi bây coi tình hình thực tế, tập thể bàn bạc đưa ra giải pháp". Anh Hai là người như thế, nhà chính trị mẫu mực, không cục bộ cá nhân, giải quyết vấn đề luôn có tình, có lý. Anh xứng đáng là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên học tập noi theo" - ông Huỳnh Văn Be nói.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành kể: “Trong vụ án Năm Cam, lúc đó tôi làm trưởng ban chuyên án, thường xuyên báo cáo tình hình vụ án với anh. Ông nói: “Phần này tôi với chú xử lý được, còn lại báo cáo Ban Bí thư hay Bộ Chính trị hoặc tham khảo với các cơ quan pháp luật thật kỹ mới giải quyết”. Cho nên, ân tình giữa hai người rất lớn. Tôi học hỏi từ anh rất nhiều. Đối với cấp dưới, anh ứng xử thật tuyệt vời, sống giản dị, chân thành và gần gũi”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo