Ngày 9-7, tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, dẫn đầu đoàn công tác của bộ này thị sát và làm việc với các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu đang lan rộng trong khu vực.
Chưa tiêm phòng đầy đủ
Tại cuộc làm việc, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông tin từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên (gồm: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum) đã ghi nhận 66 trường hợp nhiễm bạch hầu. Đã có 3 trường hợp tử vong, trong đó Đắk Nông: 2; Gia Lai: 1. Tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số nhiễm bệnh bạch hầu chiếm đến 90%, tập trung ở trẻ em 7 tuổi, cá biệt có người 60 tuổi vẫn nhiễm bạch hầu.
"Về tình trạng tiêm chủng, đa số những trường hợp mắc bệnh không được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ hoặc khi kiểm tra thì họ không nhớ trước giờ đã tiêm gì" - ông Tấn đánh giá.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, nêu một số khó khăn trong công tác phòng chống bệnh bạch hầu như ý thức người dân hạn chế, mua huyết thanh điều trị gặp nhiều khó khăn...
Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, kiểm tra việc tiêm phòng chống bệnh bạch hầu tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa - nơi ghi nhận có 16 ca mắc bạch hầu ở tỉnh Gia Lai
Còn bà Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, đưa ra thực tế đáng buồn ở địa phương rằng có trường hợp cán bộ xuống kiểm tra, phát thuốc nhưng một số người không uống mà ngậm trong miệng rồi... nhổ ra vì "chúng tôi có bệnh gì đâu mà uống, ai bị bệnh thì người đó uống". Các cán bộ y tế sau khi phát thuốc phải trực tiếp giám sát, kiểm tra cổ họng của từng người, đợi người dân nuốt hẳn mới cho rời đi.
"Chính vì ý thức người dân hạn chế, chủ yếu ở các vùng sâu, vùng xa, điều kiện vệ sinh và ý thức chăm sóc sức khỏe còn hạn chế nên những đối tượng này dễ mắc bệnh hơn ở những nơi khác, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện nguy cơ xuất hiện ổ dịch bạch hầu thời gian tới" - bà Nga nhìn nhận.
Phát động tiêm chủng quy mô lớn
Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Thanh Long cho biết hiện đang là thời điểm rất quan trọng để ngăn chặn dịch bạch hầu.
Bộ Y tế quyết định triển khai chương trình tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trên quy mô lớn, trước mắt là 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông, sau đó sẽ là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lâm Đồng.
"Vừa qua chỉ tiêm trong khu vực có bệnh nhân, còn lần này là tiêm chiến dịch, tất cả công dân từ 2 tháng tuổi trở lên đều được tiêm" - ông Long nói và khẳng định đối với bệnh bạch hầu thì có vắc-xin và thuốc chữa.
Để ngăn chặn bệnh bạch hầu, ông Long đề nghị các địa phương cần thực hiện 4 phương châm phòng chống dịch: cách ly, khoanh vùng, dập dịch, khi phát hiện ca bệnh ở trên địa bàn nào thì lập tức điều trị dự phòng mang tính bao vây cho tất cả đối tượng trên địa bàn đó.
Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Bạch Mai lập tổ điều trị chuyên môn, hỗ trợ điều trị cho các địa phương; giao Bệnh viện Bạch Mai mua huyết thanh, bảo đảm cung cấp cho các địa phương này.
Bộ Y tế cũng đồng ý phương án sử dụng truy vết trong phòng chống Covid-19 đối với bạch hầu để biết toàn bộ dịch tễ cũng như ngăn chặn. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vắc-xin, kể cả vắc-xin 5 trong 1, vắc-xin Td, dự kiến khoảng 10 triệu liều để hỗ trợ cho các địa phương.
"Chiến dịch tiêm chủng này được phát động dự kiến sẽ tiêm cho 4,7 triệu người ở các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh liền kề là Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bộ Y tế đã chỉ đạo khẩn cấp đưa 10 triệu liều vắc-xin để triển khai chiến dịch tiêm chủng" - ông Long nói và cho biết Bộ Y tế sẽ cấp khẩu trang, đồ dùng phòng hộ cho các địa phương... Các cơ quan chuyên môn của bộ sẽ hỗ trợ các địa phương về chuyên môn.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế đã phát động "Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng chống bạch hầu" tại 4 tỉnh là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Tỉnh Gia Lai được chọn là tỉnh điểm để phát động chiến dịch.
Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông, cho biết ổ dịch bạch hầu tại thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô đang có nguy cơ lây lan cao. Nguyên nhân là địa hình hiểm trở, giao thông đi lại phức tạp, có nhiều đường xương cá khó kiểm soát và cách ly người dân. Trong khi dịch đang diễn biến phức tạp nhưng người dân vẫn thường xuyên đi sang bên kia sông Krông Nô làm việc. Ổ dịch này đã lây lan ra ngoài khu vực của thôn.
Tương tự, thôn 6 (xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) dù đã có nhiều ca bệnh, có người đã tử vong nhưng người dân vẫn thờ ơ, chỉ nghĩ đây là cảm sốt thông thường.
Nhiều vùng lõm
BS Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hòa, cho biết tỉ lệ tiêm chủng của địa phương đạt khá thấp, chỉ khoảng 50%-60%, nhiều vùng lõm trên biểu đồ tiêm chủng của huyện. Mặc dù cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng hiệu quả tiêm chủng vẫn chưa cao.
"Khi đến tận từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động tiêm chủng thì luôn nhận được cái lắc đầu từ chối. Lý do họ đưa ra là sợ con ốm, ngại, không muốn tiêm... Thậm chí, nhiều hộ sẵn sàng ký tên, điểm chỉ vào bản cam kết cho người không đi tiêm chủng mở rộng dù cán bộ y tế đã nói khô cả cổ họng" - BS Nga cho biết thêm.
Nguy cơ lây lan cao
Ngày 9-7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Đắk Nông. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh cần bám sát chỉ đạo của Bộ Y tế, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh bạch hầu lan rộng, kéo dài, hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.
C.Nguyên
Bình luận (0)