Bộ Y tế đánh giá bệnh bạch hầu rất nguy hiểm nhưng đây là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được vì đã có vắc-xin từ năm 1923. Ở nước ta, từ hàng chục năm qua, vắc-xin có thành phần ngừa bạch hầu đã được tiêm miễn phí (4 mũi tiêm) cho trẻ dưới 2 tuổi. Ở những tỉnh, thành có nguy cơ cao, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR) cũng đã tổ chức tiêm miễn phí mũi nhắc lại cho trẻ 7 tuổi.
Vậy tại sao dịch bệnh "cổ điển" này vẫn còn đe dọa cộng đồng?
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đa số ca mắc bệnh bạch hầu là trẻ em trên 7 tuổi và chưa được tiêm phòng đầy đủ. Đó là nguyên nhân và cũng là đáp án rất cụ thể trong công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
Tiêm chủng và tiêm chủng đầy đủ, đúng liều, là biện pháp hiệu quả chống dịch bạch hầu, với ít nhất 90% trường hợp tiêm chủng được bảo vệ.
Hằng năm, ngân sách nhà nước và từ hỗ trợ của quốc tế đã dành hàng trăm tỉ đồng để tiêm hơn 25-30 triệu mũi tiêm/năm, ngừa 11 bệnh trong chương trình TCMR, đó là chưa kể "vắc-xin dịch vụ" người dân tự lo.
Tuy vậy, theo số liệu từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, độ bao phủ của TCMR hiện mới đạt tỉ lệ hơn 95% trên quy mô toàn quốc. Thực tế, vẫn còn khoảng 5%-10% (hoặc cao hơn) số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ đạt tỉ lệ dưới 90%. Điều đáng lưu ý là tại 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Nông, ở khu vực đang có bệnh nhân mắc bạch hầu, tỉ lệ người lành mang trùng chiếm gần 50%, tỉ lệ tiêm chủng chỉ đạt 13%.
Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm chủng ở vùng sâu, vùng xa còn thấp như địa bàn giao thông khó khăn, đời sống kinh tế người dân còn nghèo; nhận thức về tiêm chủng phòng bệnh còn hạn chế...nhưng trên hết là hệ thống y tế dự phòng cơ sở hoạt động còn yếu kém, không bao phủ được địa bàn nên không kiểm soát được dịch tễ vùng mình phụ trách. Vấn đề truyền thông về dịch tễ với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn khi người dân vẫn thờ ơ với công tác phòng dịch.
Ngành y tế dự phòng đã thấy rõ khoảng trống phòng dịch đó nên đã tìm cách khắc phục với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, tăng cường tổ chức tiêm chủng ngoài trạm, tiêm chủng thường xuyên thay vì định kỳ, tăng phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa...
Để lấp lỗ hổng đó, để phòng dịch tức thì, Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ em tại các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh nguy cơ cao là Quảng Nam, Quảng Ngãi nhằm ngăn chặn bệnh bạch hầu. Còn về lâu dài, chỉ có cách duy nhất là đưa tỉ lệ TCMR ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tăng cao hơn, không để như chuyện "mất bò mới lo làm chuồng".
Bình luận (0)