Việt Nam đang kiểm định lô vắc-xin Covid-19 gần 1,7 triệu liều trước khi triển khai tiêm chủng đợt 3. Bộ Y tế yêu cầu rà soát tất cả điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó sẽ mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.
Việt Nam sẽ có thêm 110 triệu liều vắc-xin
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế vừa ký thỏa thuận mua 31 triệu liều vắc-xin với Pfizer (Mỹ), phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, xin ý kiến các thành viên Chính phủ để thống nhất việc mua vắc-xin của hãng này. Như vậy, Việt Nam sẽ có 31 triệu liều vắc-xin của Pfizer được cung cấp vào quý III và quý IV trong năm nay, bảo đảm thực hiện theo lộ trình cung ứng vắc-xin.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu chống dịch .Ảnh: TUẤN DŨNG
Trước đó, tối 16-5, gần 1,7 triệu liều vắc-xin Covid-19 do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tại Hà Nội. Đây là lô vắc-xin nằm trong số 4,1 triệu liều vắc-xin được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của cơ chế COVAX nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu.
Đến nay đã có hơn 1.011.395 liều vắc-xin được tiêm cho các đối tượng là cán bộ y tế và các nhân viên tuyến đầu khác, các lực lượng công an, quân đội, trong đó 28.852 người đã được tiêm đủ 2 mũi. Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ 2 cho những người đã được tiêm liều đầu. Hiện lô vắc-xin này đang chờ kết quả kiểm định.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị ngay kế hoạch tiêm vắc-xin đợt 3, rà soát tất cả điểm tổ chức triển khai tiêm chủng trên địa bàn, trong đó mở rộng đối tượng và phạm vi tiêm chủng.
Về nguồn vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán các nguồn vắc-xin để bảo đảm đủ vắc-xin Covid-19 tiêm chủng cho người dân. Thời gian qua, Bộ Y tế đã đàm phán, làm việc với nhiều quốc gia, tổ chức, nhà sản xuất, tổng số vắc-xin mà Việt Nam đã mua, đăng ký là 170 triệu liều, trong đó có khoảng 110 triệu liều vắc-xin Covid-19 cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021 gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc-xin Covid-19 theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Tiêm vắc-xin quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ nay đến cuối năm 2021, khi có vắc-xin, ngành y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 quy mô rộng lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành y tế Việt Nam.
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn về công tác triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho các tuyến, đặc biệt là công tác khám sàng lọc và xử trí phản ứng sau tiêm chủng để bảo đảm an toàn tiêm chủng. Theo bà Hồng, đến nay vắc-xin là biện pháp hiệu quả trong phòng dịch Covid-19. Việt Nam đặt tầm quan trọng của an toàn vắc-xin song song với độ bao phủ cho người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng vắc-xin với mong muốn tăng độ bao phủ vắc-xin ngày càng nhiều cho người dân. Việc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bao phủ được nhiều đối tượng và đạt tỉ lệ cao thì càng hiệu quả, bảo đảm việc tiếp cận công bằng cho người dân. Bên cạnh nguồn vắc-xin được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nguồn mua từ ngân sách nhà nước thì Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ nêu rõ khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiêm chủng tự nguyện và tự chi trả. Tuy nhiên cho tới nay, việc cung ứng vắc-xin Covid-19 vẫn là hạn chế trên quy mô toàn cầu. Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng vắc-xin phòng Covid-19, Việt Nam nâng mức triển khai bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lên cao hơn một số quốc gia khác.
GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực với hơn 3 triệu ca tử vong, chúng ta cần chủ động "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Do đó, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia.
Bộ Y tế cho biết hình thức tiêm chủng sẽ được tổ chức theo chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng có sẵn, trường hợp cần thiết, các sở y tế huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng tham gia. Theo đó, khối bệnh viện trung ương, tỉnh/thành, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện thực hiện tiêm cho các đối tượng là các cán bộ y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của địa phương... Tại các trạm y tế cấp xã, tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động. Với các bệnh viện, bệnh xá, cơ sở y tế... thuộc các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch, thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình quy định và hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trường hợp cần thiết). Riêng các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, sẽ thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của sở y tế.
Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, trong đó có 2 vắc-xin đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công thì dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đàm phán với một số quốc gia để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới sản xuất vắc-xin Covid-19. Hiện Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới đã có phản hồi, sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam. Tính đến thời điểm này, đây là công nghệ sản xuất vắc-xin mới nhất thế giới. Công nghệ này được coi là bước ngoặt rất lớn trong sản xuất vắc-xin, giúp đáp ứng miễn dịch diễn ra nhanh, hiệu quả cao, giảm thấp nhất các phản ứng phản vệ sau tiêm. Hai công ty của Mỹ là Pfizer và Moderna đang sản xuất vắc-xin Covid-19 theo công nghệ mới này.
Mua vắc-xin một cách nhanh nhất để tiêm diện rộng cho dân
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18-5-2021 về việc mua vắc-xin phòng Covid-19. Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện mua vắc-xin một cách nhanh nhất để triển khai tiêm trên diện rộng cho nhân dân. Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa việc tiếp cận mua, nhập khẩu các nguồn vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng; nhận chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc-xin trong nước... Trong điều kiện khan hiếm vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 trên toàn cầu, để sớm có vắc-xin và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc-xin sớm nhất. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc-xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
BN 4514 ở TP HCM nhiễm biến chủng SARS-CoV-2 từ Ấn Độ
Chiều 19-5, nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã công bố kết quả giải mã nhanh bộ gien của virus SARS-CoV-2 lấy từ bệnh nhân (BN) 4514, là người đàn ông mắc Covid-19 cư ngụ tại chung cư Sunview Town (TP Thủ Đức) được ghi nhận hôm 18-5, Bộ Y tế công bố chính thức vào sáng 19-5.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM - đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả xác định BN 4514 đã nhiễm biến chủng B.1.617.2, là một trong các phân nhánh con của biến chủng B.1.617 đang gây đại dịch tại Ấn Độ. Biến chủng B.1.617.2 cũng là biến chủng được ghi nhận trên nhiều bệnh nhân ở khu vực miền Bắc trong đợt dịch mới này. Bộ gien của BN 4514 mang T19R, L452R, T478K, D614G, P681R, D950N) và một đột biến đứt đoạn (156-158) trên vùng protein gai của biến chủng B.1.617.2. Nếu biến chủng gốc B.1.617 mang 2 đột biến L452R và E484Q được cho là tăng khả năng tấn công, giảm tác dụng của kháng thể tự nhiên và kháng thể được tạo ra do tiêm chủng thì B.1.617.2 mang thêm đột biến mới là T478K (thay cho E484Q). T478K được dự báo cũng có khả năng ảnh hưởng đặc biệt đến ái lực của protein gai với thụ thể ACE2 và làm cho virus dễ dàng xâm nhập vào tế bào hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia trên thế giới vẫn khẳng định các loại vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay vẫn có hiệu quả bảo vệ cao đối với các biến chủng hiện có.
A.Thư
Bình luận (0)