Sáng 7-10, Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười - nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng - được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội và tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM.
Đồng chí tiếc thương, đồng bào trân trọng
Trong niềm tiếc thương sâu sắc, 2 ngày quốc tang vừa qua (6 và 7-10), hơn 1.600 đoàn với trên 60.000 người, đại diện các cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân, nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã đến viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Quốc thiều Việt Nam được cử hành để tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - nhà lãnh đạo đức độ, mẫu mực, tài năng, kiên trung của Đảng, cả cuộc đời hết lòng vì nước, vì dân.
Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Lễ tang, đọc Điếu văn nêu rõ: "Đồng chí Đỗ Mười là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, nhà nước và nhân dân ta; người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đồng chí Đỗ Mười mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam, đối với gia quyến đồng chí Đỗ Mười, để lại niềm tiếc thương đối với bạn bè quốc tế...".
Là cán bộ lão thành cách mạng, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến, tù đày và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng rèn luyện, ham học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao tri thức, tìm tòi, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc sảo, quyết đoán và hành động quyết liệt trong mọi công việc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đắp nắm đất lên phần mộ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại quê nhà Ảnh: NGÔ NHUNG
Nắm giữ nhiều trọng trách
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống) sinh ngày 2-2-1917 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Sớm giác ngộ cách mạng, từ khi 19 tuổi, ông đã tích cực tham gia Phong trào Bình dân, Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai. Năm 1938, ông tham gia Công hội, vận động phong trào ủng hộ Liên Xô. Tháng 6-1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam ở nhà tù Hà Đông, Hỏa Lò (Hà Nội). Dù bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng ông vẫn rất mực kiên trung với cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ông đã vào sinh ra tử và được giao nhiều trọng trách như Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình; Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính liên khu III...
Sau khi đất nước thống nhất, ông Đỗ Mười được Đảng, nhà nước giao phó nhiều trọng trách như Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản nhà nước; Phó Thủ tướng nhiều khóa phụ trách công nghiệp, vật tư, phân phối lưu thông; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) từ năm 1988 đến 1991; Thường trực Ban Bí thư; đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII và IX...
Trong những năm đầy khó khăn của thập niên 1990, ông đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, nhà nước đề ra và chỉ đạo triển khai thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, tạo được bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của đất nước; đề xuất các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chuyển từ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và có các giải pháp chống lạm phát hiệu quả. Trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực và trên thế giới; đưa Việt Nam tham gia ASEAN; chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Đỗ Mười đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn".
Lãnh đạo nhiều đảng chia buồn sâu sắc
Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore Lý Hiển Long đã gửi thư chia buồn tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Lý Hiển Long bày tỏ chia buồn sâu sắc nhất trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; đánh giá cao vai trò quan trọng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong việc làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương giữa Singapore và Việt Nam, cũng như mối quan hệ nồng ấm giữa Đảng Hành động Nhân dân Singapore và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, lãnh đạo Đảng Cộng sản Tây Ban Nha, Đức... cũng đã gửi thư chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Người dân xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về với đất mẹ Ảnh: NGÔ NHUNG
Tấm gương sáng của dòng họ, quê hương
Chiều 7-10, linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được an táng tại quê nhà ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Lễ an táng có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước và hàng ngàn người dân địa phương.
Dọc đường từ Nhà Tang lễ Quốc gia về quê, người dân xếp hàng kín các trục đường để đưa tiễn vị lãnh đạo một đời vì sự nghiệp của đất nước, người con ưu tú của quê hương. Trên khu mộ ở thôn 1, xã Đông Mỹ, người dân xếp hàng mong được vào tham dự Lễ an táng. Những hình ảnh của ông trong những lần về thăm quê, thăm trường học cũ... được người dân in ra cầm nghiêm trang, đứng hàng giờ đợi linh cữu của ông đi qua. Các trục đường dẫn đến khu an táng dường như không còn chỗ trống, từ các em học sinh đến các cụ già chống gậy đều thành kính tiễn biệt ông.
Cụ Nguyễn Thị Nhân (83 tuổi), một người dân xã Đông Mỹ, chia sẻ: "Ông chọn trở về an nghỉ trên quê hương là một niềm vinh dự đối với quê nhà Đông Mỹ. Ông đi theo cách mạng từ sớm, sống và chiến đấu vì sự nghiệp của Tổ quốc, trải qua nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau nhưng vẫn giữ được cốt cách của người quê, luôn sống giản dị, khiêm tốn và quan tâm lo lắng cho sự phát triển của quê nhà. Hôm nay ông đã trở về với quê mẹ, ai cũng ngậm ngùi".
Khi tiếng chuông, tiếng quân nhạc vang lên báo thời điểm thực hiện nghi thức hạ huyệt là lúc những giọt nước mắt lặng lẽ cứ thế chảy dài trên những khuôn mặt người nhà ông và người quê Đông Mỹ. Bà Nguyễn Thị Ly (50 tuổi), con cháu dòng họ Nguyễn Duy - họ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tâm sự: "Cụ Đỗ Mười là một tấm gương sáng của dòng họ Nguyễn Duy cũng như của quê hương Đông Mỹ. Cụ mất đi là mất mát lớn đối với quê nhà. Tôi và con cháu của dòng họ Nguyễn Duy từ nhỏ đã được giáo dục và noi theo gương cụ. Hương hồn cụ đã về nơi vĩnh hằng nhưng chắc rằng sẽ luôn hướng về quê hương, về đất nước".
Trong tiếng nhạc trầm buồn, khi việc lấp mộ hoàn tất, mọi người có mặt dành phút mặc niệm tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư về miền cực lạc.
Huy Thanh
Bình luận (0)