Tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cầu kết nối vùng nhằm tạo lực đẩy cho sự phát triển công nghiệp- đô thị - dịch vụ.
Dự án xây dựng đường và cầu kết nối Bình Dương với Tây Ninh có quy mô 6 làn xe băng ngang sông Sài Gòn, kết nối đường ĐT.744 (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) và đường Đất Sét - Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), có tổng mức đầu tư gần 900 tỉ đồng. Đến nay, đã thi công được 93,5%.
Dự án Đường và cầu kết nối Bình Dương với Tây Ninh đang bước vào những công đoạn cuối cùng
Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, dự án hiện thảm bê tông nhựa mặt cầu, tháng 11-2022 hoàn thành thảm bê tông nhựa tuyến chính phần dường dẫn phía bờ Tây Ninh và hoàn thành thảm bê tông nhựa tuyến chính phía bờ Bình Dương và tổ chức nghiệm thu kỹ thuật để thông xe. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong kết nối vùng, thúc đẩy phát triển không chỉ hai địa phương mà còn cả khu vực Đông Nam bộ.
Khởi công cuối năm 2021, nằm ở phía Đông tỉnh Bình Dương, cầu Bạch Đằng có 2 tổng vốn đầu tư hơn 300 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) với TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom (Đồng Nai).
Đồng thời, dự án giúp kết nối thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) đi Quốc lộ 1, sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải một cách nhanh nhất.
Sơ đồ vị trí xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai
Dự án cùng hai đường dẫn có tổng chiều dài hơn 2,8 km, trong đó cầu dài khoảng 410 m, rộng 17m, 4 làn xe. Nguồn vốn thực hiện dự án được chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính, các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.
Đến nay, đoạn qua tỉnh Bình Dương đã thi công xong các cọc khoan nhồi trụ T1, cọc khoan nhồi trụ T2, cọc trụ chống và đang triển khai thi công lớp bê tông bịt đáy trụ T1, đạt khoảng 9% khối lượng hợp đồng.
Đối với đoạn qua tỉnh Đồng Nai, các hạng mục thuộc 1/2 cầu phía Đồng Nai vẫn chưa triển khai do vướng mặt bằng. Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, dự kiến phấn đấu trong Quý I năm 2024 sẽ hoàn thành công trình.
Trong khi đó, dự án Cầu Bình Gởi nối TP HCM và tỉnh Bình Dương thuộc Dự án thành phần 5 của Dự án đường Vành đai 3 TP HCM do tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng đã được triển khai đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.
Cầu có tổng chiều dài gần 1km, rộng 19,75m, với 4 làn xe cao tốc theo phân kỳ đầu tư đường Vành đai 3- TP.HCM, ước chi phí xây dựng khoảng 570 tỉ đồng. Ngành chức năng phấn đấu khởi công cầu này trong cuối quý II năm 2023.
Bình luận (0)