Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, hiện nay các công trình kết nối giữa TP HCM với tỉnh Long An để đi về miền Tây chưa nhiều, việc kết nối với sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) rồi mở rộng kết nối với tỉnh Tây Ninh là vô cùng quan trọng. Vì vậy, thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn để đầu tư các công trình giao thông theo 3 hướng kết nối trên.
8 dự án "khủng" được ưu tiên đầu tư
Nói cụ thể về kế hoạch thực hiện, đại diện Sở GTVT TP HCM thông tin giai đoạn 2021-2025, sẽ có 8 dự án được thành phố ưu tiên đầu tư vốn để thực hiện, trong đó 6 dự án kết nối với tỉnh Long An, 1 dự án kết nối với tỉnh Đồng Nai, 1 dự án kết nối với tỉnh Tây Ninh.
Giao thông thường xuyên lộn xộn ngay chân cầu Lớn trên đường Nguyễn Văn Bứa (con đường kết nối TP HCM với tỉnh Long An) vì đường và cầu đều nhỏ hẹp
Trong 6 dự án kết nối với tỉnh Long An, dự án đầu tiên cần kể đến là mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa. Cụ thể, dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn Ngã ba Giồng - cầu Tỉnh lộ 9) kết nối với Đường tỉnh 824 (huyện Đức Hòa) tại vị trí cầu Lớn (kết nối hiện hữu) dài 22 km (TP HCM 7,3 km, Long An 15 km) lên 4 làn xe, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.412 tỉ đồng.
Dự án thứ 2 là dự án đường Võ Văn Kiệt nối dài (huyện Bình Chánh) kết nối Khu Công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Với dự án này, phía tỉnh Long An đã có đường nối hiện hữu, phía TP HCM cần bổ sung quy hoạch từ Vành đai 3 đến ranh Long An. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 3.300 tỉ đồng. Dự án thứ 3 là mở mới đường Tây Bắc dài khoảng 19,8 km, điểm đầu tại Quốc lộ 1 (quận Bình Tân) và điểm cuối tại Vành đai 4, gần thị trấn Hậu Nghĩa (tỉnh Long An) với chi phí đầu tư dự kiến là 6.460 tỉ đồng.
Dự án thứ 4 là mở rộng Quốc lộ 50 đi qua huyện Bình Chánh (TP HCM) và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), dự án này vừa được HĐND TP thông qua với mức đầu tư dự kiến là 2.150 tỉ đồng nâng cấp. Dự án thứ 5 là dự án đường song song Quốc lộ 50, kết nối đường Trục động lực, huyện Cần Giuộc với tổng mức đầu tư dự kiến là 4.300 tỉ đồng. Dự án cuối cùng là kết nối đường Lê Văn Lương với đường tỉnh 826C (huyện Cần Giuộc) tại vị trí cầu Rạch Dơi đang được TP HCM lập quy hoạch điều chỉnh, chi phí đầu tư khoảng 1.030 tỉ đồng.
Để kết nối TP HCM với sân bay Long Thành nói riêng, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung, TP ưu tiên bố trí vốn đầu tư tuyến đường trên cao đi dọc theo Đường tỉnh 25C vượt sông Đồng Nai, theo đường trục Bắc - Nam kết nối với sân bay Long Thành. Tuyến đường này có quy mô 7-10 làn xe, vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
Riêng dự án được đánh giá cấp thiết cần trung ương ưu tiên nguồn vốn là đường cao tốc
TP HCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Với dự án này, Sở GTVT TP HCM vừa có văn bản gửi UBND TP báo cáo tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư. Dự án có điểm bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, đi song song Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22, khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Dự án chia 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chiều dài 50 km, đoạn qua
TP HCM là 23,7 km, còn lại qua địa phận tỉnh Tây Ninh, vốn đầu tư khoảng 15.900 tỉ đồng.
Những việc phải làm
Đánh giá tính cấp thiết của các dự án liên kết vùng kể trên, đại diện Sở GTVT TP khẳng định đó là việc cần làm ngay. Bởi để TP HCM phát triển bền vững thì giao thông phải đi đầu. Theo đó, bên cạnh những dự án chuyển tiếp, những dự án cấp bách thì việc sớm hình thành các tuyến vành đai, tuyến quốc lộ, cao tốc có tính liên kết vùng được thành phố đặt mục tiêu hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025. "Khi các dự án mang tính liên kết vùng đưa vào sử dụng không chỉ giúp tăng năng lực giao thông cho khu vực mà còn tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành và TP HCM" - đại diện Sở GTVT TP đánh giá.
Cụ thể, chùm dự án kết nối TP HCM với tỉnh Long An sẽ kết nối với các tỉnh miền Tây. Khi các tuyến đường này được hình thành, nâng cấp giúp chia sẻ lượng phương tiện đang quá tải trên tuyến Quốc lộ 1, Tỉnh lộ 10. Riêng tuyến đường trên cao đi dọc Đường tỉnh 25C vượt sông Đồng Nai cùng với việc mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là 2 trục giao thông huyết mạch giúp kết nối TP HCM với sân bay quốc tế Long Thành khi sân bay này đưa vào khai thác năm 2025. Nếu không sớm đầu tư, mở rộng 2 tuyến huyết mạch này thì việc kết nối từ TP HCM đến sây bay Long Thành sẽ quá tải.
Riêng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài, hiện HĐND tỉnh Tây Ninh có nghị quyết thông qua đầu tư, còn TP HCM thì vẫn chờ UBND trình HĐND thông qua nghị quyết. Để thúc đẩy quá trình xét duyệt, Sở GTVT TP vừa có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND TP đồng thuận về đề xuất thực hiện dự án để sớm có cơ sở triển khai trong thời gian tới. "Càng triển khai trễ chừng nào thì chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng càng tăng, nguy cơ ảnh hưởng tiến độ dự án là rất lớn" - đại diện Sở GTVT TP nêu.
Đồng quan điểm, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM, nhấn mạnh thêm nhóm các dự án kết nối vùng là một trong 4 nhóm được đề xuất ưu tiên bố trí vốn là hoàn toàn hợp lý, bởi đây là những dự án cấp thiết, có sức nặng để hoàn thành đa mục tiêu. "Nguồn vốn cho hạ tầng giao thông ở TP HCM chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu. Do đó trong 5 năm tới, thành phố đã và đang tính toán kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất dọc các tuyến đường chuẩn bị đầu tư để tăng nguồn vốn triển khai các dự án nêu trên" - ông Lương Minh Phúc nói.
"Không chỉ các dự án kết nối nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, những dự án ở cửa ngõ như mở rộng Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, xây dựng cầu Cát Lái… cũng được TP HCM ưu tiên bố trí vốn để tạo sức bật phát triển kinh tế - xã hội".
Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban Quản lý dự án
đầu tư các công trình giao thông TP HCM
Bình luận (0)