Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) cho biết đầu tháng 6 vừa qua, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã công bố quyết định thanh tra toàn diện dự án "nghĩa trang nhân dân Nỗng Tranh" tại xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn.
Theo tìm hiểu, năm 2016, UBND Quế Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nghĩa trang Nỗng Tranh tại xã Quế Cường (nay là xã Quế Mỹ) với quy mô hơn 10 ha, vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Công trình này sau đó được giao cho UBND xã Quế Cường làm chủ đầu tư. Công ty TNHH MTV Xây dựng Quảng Phú là đơn vị được giao thực hiện dự án.
Sau khi lấy hơn 400.000 m3 đất đem bán, dự án nghĩa trang Nỗng Tranh nay chỉ còn lại đống đất đá ngổn ngang
Năm 2019, dù UBND tỉnh Quảng Nam chưa cho phép khai thác tận thu đất dư thừa tại dự án nhưng UBND xã Quế Cường tạm ứng hơn 5 tỉ đồng của Công ty Quảng Phú để thực hiện công tác hỗ trợ đền bù cho người dân. Số tiền này được khấu trừ vào tiền hỗ trợ ngân sách địa phương do Công ty Quảng Phú nộp khi được cấp phép tận thu đất dự án.
Sau khi được cấp phép, Công ty Quảng Phú đã khai thác hơn 400.000 m3 đất đem bán. Trong khi đó, dù chậm tiến độ hơn 2 năm nhưng nghĩa trang Nỗng Tranh thì chẳng thấy đâu, chỉ có một con đường bê tông nối từ khu vực dự án ra bên ngoài được xây dựng hoàn thiện, cũng là con đường để Công ty Quảng Phú dễ dàng chở đất đem bán.
Ông Nguyễn Phước Sơn cho biết dự án nghĩa trang Nỗng Tranh dừng thực hiện do quá trình triển khai gặp khó khăn vì ở dưới có nhiều đá, quá trình khoan địa chất ban đầu đánh giá không chính xác. Ngoài ra, người dân phản ảnh cốt nền đơn vị thi công lấy sâu hơn quy định. "Nhưng cái quan trọng là đá nhiều nên huyện thấy không hiệu quả, sau này chôn lấp người chết không đảm bảo nên huyện yêu cầu tạm dừng" – ông Sơn nói và cho hay một nguyên nhân khác là do bị vướng giải phóng mặt bằng ở một số vị trí.
Ông Sơn xác nhận giám đốc Công ty Quảng Phú là con trai của ông Lê Tấn Trung, nguyên Bí thư Huyện ủy Quế Sơn (vừa nghỉ hưu năm 2020). Ông Sơn cũng xác nhận nhiều ý kiến dư luận bàn tán có hay không việc "vẽ" dự án nghĩa trang để công ty con của bí thư huyện tận thu đất.
Nhiều người không thể nghĩ đây là dự án nghĩa trang mà là một mỏ đất đơn thuần
"Người dân cũng có ý kiến như thế, mình là thế hệ lãnh đạo của huyện kế thừa sau này thôi. Mình thấy một số vấn đề cũng không được hợp lý cho lắm. Qua đó, nhận thấy khó khăn nên mới xin ý kiến của tỉnh cho thanh tra. Sau này thanh tra cái gì được, cái gì chưa được, có tiếp tục làm hay dừng hoặc chuyển đổi công năng thì huyện thực hiện theo kết luận. Mình kế thừa, đang làm lở dở nên tiến không được, lùi cũng không xong" – ông Sơn nói.
Về việc xã Quế Cường ứng tiền của doanh nghiệp bồi thường cho người dân, ông Sơn cho biết theo chủ trương của huyện, ngoài các khoản thuế phí theo quy định, huyện thỏa thuận với doanh nghiệp khai thác đất tận thu đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương. Tiền thu từ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ để lại cho xã 60% (hơn 6 tỉ đồng) để thực hiện việc hoàn trả lại lại tiền GPMB cũng như tiếp tục đầu tư cho dự án.
"Hiện nay, phần đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng thì Công ty Quảng Phú đã làm xong nghĩa vụ tài chính, huyện đã trích lại 60% cho xã Quế Mỹ để hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng" – ông Sơn cho biết.
Bình luận (0)