Nhiều nhà khoa học, đại biểu Quốc hội đã không ít lần bỏ công khảo sát và lên tiếng cảnh báo về các vấn nạn mà sông Đồng Nai đang gánh chịu. Thế nhưng, theo các nhà khoa học, tiếng nói của họ vẫn chưa được lắng nghe một cách thấu đáo và bằng chứng là dòng sông này vẫn đang kêu cứu trong tuyệt vọng. Lần này, nếu những người có trách nhiệm liên quan vẫn không đưa ra giải pháp giải cứu cụ thể là có tội với chính con cháu của mình!
Lảng tránh
Những vấn đề cấp bách của sông Đồng Nai từng được Chính phủ đưa vào văn bản quy phạm cách đây nhiều năm, tuy nhiên tại nhiều cuộc họp thời gian qua, cho thấy thực tế quản lý còn quá nhiều hạn chế, buông lỏng và không có hiệu quả. Tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (Ủy ban Sông Đồng Nai) cuối năm 2017, đại diện tỉnh Tây Ninh đề nghị cần đánh giá lại vai trò chỉ đạo của ủy ban này trong công tác thực hiện đề án bảo vệ sông, bởi đã không giải quyết được các vướng mắc, không giải quyết triệt để nhiều vấn đề bức xúc trên các lưu vực hệ thống.
Những hình ảnh như thế này sẽ tiếp diễn trên dòng sông Đồng Nai nếu những người có trách nhiệm tiếp tục ngó lơ Ảnh: XUÂN HOÀNG
Cùng quan điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho rằng cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương và bộ, ngành. Bởi đây là hành động cần thiết nhưng thực tế công tác triển khai còn rời rạc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chỉ đạo bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách đối với 11 tỉnh, TP trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Ấy vậy mà, trong suốt thời gian thực hiện loạt bài "Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai", chúng tôi liên tục liên lạc với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng là Chủ tịch luân phiên của Ủy ban Sông Đồng Nai hiện tại, để tìm câu trả lời nhưng mọi cố gắng đều không được hồi đáp.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc đến lãnh đạo các tỉnh, TP là thành viên của ủy ban này là Bình Phước, Đắk Nông, Lâm Đồng,… cũng đều nói không thể trả lời. Ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Sông Đồng Nai - thừa nhận "không nắm được, không rõ lắm" và nói thêm "hãy hỏi ông chủ tịch" (!).
Riêng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm, là có quan tâm nhưng chưa đưa ra được cam kết nào đáng kể. "Vấn đề thực sự đã khá cấp bách, cần có sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt và có hiệu quả hơn từ các địa phương. Riêng tỉnh Bình Dương cũng đang gánh chịu nhiều hậu quả tác động xấu trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn, chúng tôi phải tìm các biện pháp khắc phục để có hiệu quả…" - ông Liêm thông tin.
Coi thường pháp luật mà ra
Theo PGS-TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, sự can thiệp của con người và tiến trình đô thị hóa sẽ không ảnh hưởng xấu đến sông Đồng Nai nếu như được điều tiết và thực thi đúng pháp luật. Tuy nhiên, có quá nhiều vấn đề về mặt pháp luật bị coi nhẹ và tâm lý "ăn cắp" của công lấn át khiến sông Đồng Nai bị tàn phá. Đó là việc lạm dụng khai thác cát khiến dòng sông bị thay đổi, đáy sông bị cào mòn, hạ thấp dẫn đến mực nước sông tụt xuống, bờ bị xói lở. Các thủy điện nếu không kiểm soát cũng sẽ gây tác động bất ngờ, lượng phù sa bị giữ lại khiến hạ lưu sẽ thành "sông đói", xói lở bờ và xói lở dòng sông. Việc lấp, lấn sông cũng thế, dòng sông đang bị khai thác quá mức, tác động đến thảm thực vật, từng chút tác động vào dòng chảy. Ô nhiễm từ các KCN, các làng nghề cũng làm sông suy kiệt, nước bị ô nhiễm nên không còn là tài nguyên nước… "Quy định pháp luật đã có sẵn, nếu Ủy ban Sông Đồng Nai, địa phương làm đúng, làm nghiêm, làm mạnh thì sự thể đã khác" - TS Tứ khẳng định.
PGS-TS Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) cho rằng sông Đồng Nai hiện là một trong những con sông cần được quan tâm hàng đầu với những vấn đề cấp bách. "Các nhà khoa học luôn lưu ý việc giữ nguyên hiện trạng dòng chảy phải được ưu tiên trước hết, các công trình phát triển phải là ưu tiên thứ yếu. Vì vậy, với sông Đồng Nai, những người có trách nhiệm phải vào cuộc ngay, chậm giải cứu là có tội…" - TS Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc thì nói rằng không thể chậm hơn nữa trong việc bảo vệ sông Đồng Nai. "Tôi từng phát biểu ở Quốc hội, đừng coi thường cái nhỏ, đừng xử lý rồi cho tồn tại những sai trái, vì đó là điều cực kỳ tai hại, nó phá hủy luật pháp và phá hủy bộ máy. Vậy nên những chuyện đã xảy ra và đang bàn đến của dòng sông Đồng Nai thì nhỏ cũng phải xử lý ngay, không để thành chuyện lớn. Trách nhiệm, nhiệm vụ, những người được giao không làm được thì để người khác làm" - ông Dương Trung Quốc bức xúc.
Đề xuất lập tổ tự quản
TS Võ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam, cho biết ông vừa đi khảo sát sông Đồng Nai về. Theo đó, con sông này không chỉ bị hủy hoại vì nạn khai thác cát, mà tình trạng thủy điện "chiếm lĩnh" thượng nguồn, ống xả thải của nhà máy, KCN "đâm toạc" hạ nguồn đã khiến dòng sông ngày càng hung dữ, xấu xí. Riêng đánh giá về hiệu quả hoạt động của Ủy ban Sông Đồng Nai, TS Long cho rằng họ hoạt động không thường xuyên (họp 1-2 lần/năm). "Tiếng nói của họ trong các vấn đề, các sự vụ xảy ra rất là kém. Họ kiêm nhiệm thôi, vì vậy làm rất là hình thức" - ông Long thẳng thắn.
Ông Long còn chia sẻ rằng bản thân ông từng bức xúc khi thấy cảnh một tàu ngang nhiên chọc ống xuống hút cát ở bờ sông Đồng Nai phía thượng nguồn và tự hỏi không hiểu vì sao họ được chính quyền cho phép làm như vậy? Hay ở khúc sông Biên Hòa, ông cũng đã thấy tàu khai thác với đầy đủ phương tiện xuất hiện nhưng công an đường thủy vẫn cứ làm ngơ. Cái đó người dân biết rất rõ nhưng không hiểu sao chính quyền lại không để ý hay có người bảo kê?
Chính vì vậy, theo TS Long, để bảo vệ sông Đồng Nai, chuyện cần làm ngay bây giờ là thành lập những nhóm cộng đồng tự quản, để họ cùng tham gia giám sát được tình trạng của khúc sông chảy qua địa phận mình sinh sống. "Ví dụ cho xóm này, phường này, quận này… quản lý đoạn sông đó. Cơ quan chức năng có thể tập huấn cho các nhóm tự quản phương pháp xác định ô nhiễm ban đầu như đo độ pH, đánh giá màu nước, mùi nước, có thể lấy mẫu nước, gửi báo cáo…" - TS Long gợi ý. Bởi theo TS Long, cho cộng đồng chung tay giám sát là giải pháp hay, bền vững trong bối cảnh lực lượng chức năng mỏng, làm việc thiếu minh bạch, bằng chứng là xả thải lén, hút cát trộm, lấp, lấn sông trái phép vẫn cứ xảy ra giữa ban ngày.
Cuối cùng TS Long nhắn nhủ những người sống ở đôi bờ sông Đồng Nai hãy nhớ rằng dòng sông, bờ sông là một phần của cuộc sống mình. Đừng nghĩ đó là của trời cho mà nhớ rằng nó liên quan rất chặt đến đời sống cộng đồng xã hội, ảnh hưởng đến cả con cháu sau này nếu chúng ta không chung tay gìn giữ.
Công an vào cuộc
Sau khi Báo Người Lao Động khởi đăng loạt bài "Tiếng kêu tuyệt vọng từ sông Đồng Nai" phản ánh hàng loạt vấn nạn mà con sông đang phải đối mặt, lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai cũng đồng thời tăng cường kiểm soát và ngày 28-8 đã vây bắt 14 phương tiện đang bơm hút cát trái phép trên sông này, đoạn qua 2 xã An Hòa và Long Hưng của TP Biên Hòa.
Tại thời điểm vây bắt, các đối tượng bơm hút cát trái phép đã tháo chạy về hướng sông Buông, một nhánh của sông Đồng Nai để lẩn trốn. Lực lượng công an tổ chức truy đuổi, bắt giữ được 7 (trong đó có 3 thuyền vận chuyển hơn 100 m3 cát), 7 thuyền còn lại bị cát "tặc" đánh chìm và tất cả cát "tặc" đều nhảy xuống sông trốn thoát. Công an cho hay đang ráo riết truy xét đường dây cát lậu này để xử lý theo pháp luật.
Tương tự, ở thượng nguồn sông Đồng Nai, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) cũng vừa thông báo đã mật phục và bắt quả tang gần 20 tàu khai thác cát trái phép gây sạt lở đất của người dân.
X.HOÀNG - Đ.THI
Bình luận (0)