Những vụ việc đau lòng như trên đã được cảnh báo từ lâu và lần nào cũng mang đến hậu quả rất khủng khiếp. Cách đây chưa lâu, vào tháng 3-2017, một vụ nổ đầu đạn tại cơ sở phế liệu ở khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã làm 4 người thiệt mạng, 10 người bị thương. Nguyên nhân do chủ cơ sở đã dùng đèn khò cắt vỏ quả bom nặng 100 kg, làm nó phát nổ.
Trước đó, tháng 12-2015, một trái đạn pháo phát nổ làm 2 người thương vong tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Nguyên nhân do 2 người này tự ý cưa trái đạn nhặt được. Cách đó vài tháng, 3 người rà phế liệu ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai phát hiện một quả bom dài hơn 1 m. Trong khi cưa, quả bom phát nổ làm 2 người chết, 1 người trọng thương...
Chết vì đạn pháo sau chiến tranh diễn ra khắp nơi. Cả một thời gian dài, rà bom cưa lấy phế liệu, thuốc nổ là nghề kiếm sống của hàng ngàn người dân vùng núi phía Bắc và miền Trung. Họ thừa biết nguy hiểm, pháp luật nghiêm cấm nhưng nguồn lợi từ việc này cũng khá lớn, có thể đắp đổi cuộc sống vốn cơ cực nên họ chấp nhận đánh đổi. Nhiều câu chuyện đau lòng - chết vì bom đạn giữa thời bình - vẫn không đủ sức răn đe và dập tắt được kiểu mưu sinh này.
Kéo theo đội ngũ "mưu sinh trên đầu tử thần" là hàng ngàn vựa phế liệu nằm trong lòng khu dân cư đông đúc. Thiếu chuyên môn nhưng thừa liều mạng, những quả đạn pháo được cưa mở hằng ngày. Chẳng ai kiểm tra, ngăn chặn nên những quả bom với đầy đủ sức công phá hủy diệt cứ được tích trữ, chực chờ bùng nổ bất cứ lúc nào. Người biết sợ thì thấy nhưng không dám nói. Người dám nói thì chẳng thể kiểm tra. Người có chức năng kiểm tra, xử lý thì vì nhiều lý do cho qua chuyện.
Mà cái sự "gan dạ" của nhiều người dân thật chẳng thể hiểu nổi. Biết là bom đạn nguy hiểm đấy nhưng cứ thờ ơ. Nghe người ta cưa bom lại xúm vào xem, thấy người khác rà mìn lại sắm đồ nghề theo học hỏi. Ngay cả việc gần đây phát hiện một quả bom vài trăm ký dưới cầu Long Biên (Hà Nội) cũng lôi kéo nhiều người tò mò đến xem. Trong khi lực lượng công binh cẩn thận từng chút một, lo lắng lặn xuống khảo sát thì nhiều người dừng xe máy chật cứng trên cầu ngóng chuyện. Chỉ một sơ suất, không thể lường nổi hậu quả xảy ra.
Bom mìn là vật bất tường. Sau chiến tranh, Chính phủ Việt Nam cùng nhiều nước mở các chương trình hợp tác rà phá bom mìn quy mô lớn với đầy đủ các lực lượng quân đội chuyên nghiệp. Gần đây nhất, tháng 8-2016, Lực lượng Lục quân đặc trách Thái Bình Dương Mỹ phối hợp với Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam tổ chức chương trình huấn luyện bom mìn nhân đạo. Tháng 6-2017, Việt Nam cũng vừa ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Không được lơ là và không thể viện bất cứ lý do gì để tái diễn những cái chết vì bom đạn trong thời bình.
Bình luận (0)