Nhiều người đi từ ngỡ ngàng đến bức xúc về phương pháp "phi truyền thống". Nhưng thực ra chuyện này không mới, được xây dựng căn cứ theo Chương trình Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, thí điểm từ năm 1978, hiện nay được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng thí điểm tại 49 tỉnh - thành với 800.000 học sinh.
Để làm dịu làn sóng tranh cãi, những người có trách nhiệm biên soạn sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1" đã lên tiếng giải thích về những điểm mới, trong đó nhấn mạnh các ưu điểm. Về mặt khoa học, đây thật sự là những kết quả nghiên cứu nghiêm túc, không chỉ về học thuật mà khi vào thực tiễn cũng có ích, ví dụ như mọi tiếng chỉ phải đánh vần theo 2 bước thay vì 3-4 bước. Chẳng hạn: tiếng "hòa", cách đánh vần truyền thống là "hờ-oa-hoa-huyền-hòa" (4 bước), còn kiểu đánh vần mới chỉ là "hoa-huyền-hòa" (2 bước).
Nhưng có cần thiết hay không là chuyện khác, đáng bàn hơn. Phương pháp đánh vần truyền thống tồn tại đã rất lâu, phổ biến rộng rãi và mang tính bắt buộc rồi, đã ổn định và ưu việt rồi, vậy có thêm phương pháp đánh vần khác nữa làm gì? Đó là chưa nói bản thân phương pháp đánh vần truyền thống cũng đã tồn tại hai cách đọc, từ chỗ "a, b, c" đọc là "a bê xê" đến cải tiến thành "a bờ cờ". Và việc phát âm các phụ âm khi viết tắt cũng không thống nhất, ví dụ VTV thì đọc là "vê tê vê" nhưng 3G thì đọc là "ba gờ"! Dẫn ra như vậy để thấy là tiếng Việt vốn đã tồn tại những sự bất nhất như thế rồi nhưng chúng ta vẫn chấp nhận và quen dùng, tốt hơn cả là đừng có thêm sự khác biệt nào nữa để trẻ con khỏi phải mệt mỏi, phụ huynh hay giáo viên khi dạy con học cũng đỡ nhức đầu.
Hồi đầu năm nay, người dùng tiếng Việt đã một phen ngớ ra trước đề xuất cải tiến tiếng Việt bị cho là "quái gở" của PGS Bùi Hiền. Còn đánh vần theo sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1" thì trước nay ít ai để ý vì chưa được áp dụng rộng rãi và không bắt buộc trong chương trình phổ thông. Nay, chuyện này (đánh vần) được khơi ra và chuyện cũ ("tiếw Việt") được gợi lại thì tinh thần bảo vệ, đòi bảo tồn nguyên trạng tiếng mẹ đẻ được nhen lên rồi thổi bùng. Quả đúng như vậy, cho dù vẫn còn nhược điểm song không đáng kể, tiếng Việt của chúng ta đã trong sáng và tiện dụng lắm rồi, "vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta" (Lưu Quang Vũ), đừng đòi cải tiến nữa. Sự thay đổi về cách đánh vần nói riêng và sử dụng ngôn ngữ nói chung sẽ tạo ra sự cách biệt văn hóa giữa các thế hệ, đó là điều không nên làm.
Nhưng đã áp dụng tại 49 tỉnh - thành với 800.000 học sinh rồi, giờ đâu dễ bỏ. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan cho phép triển khai, trước phản ứng trái chiều của dư luận, bộ cần phải lên tiếng để tường minh sự việc chứ không nên im lặng một cách khó hiểu như vậy.
Vài năm tới, chương trình phổ thông mới (một chương trình, nhiều sách giáo khoa) được triển khai. Những bộ sách có in cách đánh vần kiểu mới này còn "đất" để tồn tại hay không, lúc đó sẽ biết ngay vì quyền lựa chọn nằm trong tay người sử dụng (nhà trường/phụ huynh/học sinh), còn bây giờ thì chưa thể.
Bình luận (0)