Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan trên quy mô toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại ở quý I/2020.
Một số mặt hàng gặp khó
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2020 ước đạt hơn 59 tỉ USD, tăng 0,5%. Cán cân thương mại hàng hóa đến hết tháng 3 đạt thặng dư 2,8 tỉ USD. Trong quý I có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 70,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kết quả nêu trên được đặt trong bối cảnh chung của thương mại quốc tế và khu vực sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, như kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Nhật Bản giảm 4,1%...
Mặc dù vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số nhóm hàng là thế mạnh của Việt Nam nhưng có kim ngạch xuất khẩu giảm. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản 3 tháng ước đạt 5,28 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Bức tranh này cho thấy tác động của dịch bệnh đến nhóm hàng trên khi giao thương với Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp khó khăn.
Xe chở nông sản chờ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) để xuất đi Trung Quốc Ảnh: MINH PHONG
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 15,5 tỉ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Công Thương, các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản xuất nhập khẩu dần phục hồi trong tháng 3 do dịch đang được kiểm soát. Trong khi đó, tại EU, Mỹ, Trung Đông, dịch Covid-19 có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Chính lý do này đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ gặp khó khăn ở thị trường đầu ra.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho biết thời gian qua, các bộ - ngành, địa phương liên quan đã khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi thông xuất khẩu, xử lý các vấn đề ở cửa khẩu để thúc đẩy xuất nhập khẩu với Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm thị trường thay thế cho hàng hóa của Việt Nam để duy trì xuất khẩu. Theo TS Doanh, tuy còn không ít khó khăn trong giai đoạn tới nhưng con số lạc quan về xuất khẩu cho thấy tín hiệu tốt của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của doanh nghiệp (DN) để "biến nguy thành cơ".
Dù nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt những kết quả tích cực trong quý I nhưng dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, Chính phủ, các bộ - ngành, địa phương và cộng đồng DN cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp để duy trì nhịp độ xuất khẩu, cố gắng tăng trưởng cao trong các quý còn lại của năm 2020.
Giải pháp hỗ trợ tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, duy trì kết quả xuất khẩu tích cực. Tuy nhiên, sau khi rà soát, Bộ Công Thương đã chỉ ra vướng mắc của DN trong việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng. Do vậy, bộ kiến nghị Chính phủ cần áp dụng các công cụ mạnh hơn để trực tiếp hỗ trợ tín dụng, đơn giản và minh bạch hóa các thủ tục cho DN có thể dễ dàng tiếp cận.
Về phía DN, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kiến nghị chính sách hỗ trợ DN về tín dụng, giảm, giãn thuế, phí cần nhanh chóng đưa vào thực thi bởi DN đang rất khó khăn về dòng tiền. "DN mong muốn được giảm thuế hoặc hoãn đóng thuế thu nhập của năm 2019, để sử dụng khoản tiền đó vào việc duy trì vận hành DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay" - ông Trường nói.
Tiếp sức cho DN là giải pháp cần thiết để bảo đảm các mục tiêu về xuất khẩu, PGS-TS Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng các bộ - ngành cần có gói hỗ trợ cho từng mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giúp DN duy trì hoạt động thời điểm này và "bung sức" khi dịch được kiểm soát.
Tìm thị trường mới
Theo Bộ Công Thương, những khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ nghiêm trọng bởi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, DN không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi một "ông lớn" như Samsung Việt Nam đã dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu năm nay lên đến gần 6 tỉ USD (còn khoảng 45,5 tỉ USD trong năm 2020 so với 51,38 tỉ USD năm 2019). Vì vậy, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các ngành xuất khẩu chủ lực.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng kiến nghị nhiều giải pháp về xuất khẩu hàng hóa, trong đó hỗ trợ DN tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới từ các quốc gia khác để thay thế một phần thị trường Mỹ và châu Âu.
Việc tìm kiếm các thị trường mới đang mang lại hiệu quả rõ rệt, dẫn chứng đến từ Singapore. Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, cho biết khi dịch Covid-19 tác động tới quốc gia này, đơn vị đã làm cầu nối giữa các hiệp hội ngành hàng Singapore với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu, qua đó kết nối được hơn 20 đơn hàng xuất khẩu, ước đạt 500 tấn hàng hóa các loại như cà phê, khoai lang, dưa hấu, thanh long….
Đối với thị trường quan trọng như Mỹ, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ nội dung dự luật về gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỉ USD mới được Mỹ thông qua, để nắm bắt chính sách kích cầu tiêu dùng của quốc gia này, từ đó có phương án xuất khẩu hàng hóa thích hợp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cùng các bộ - ngành liên quan đang khẩn trương hoàn tất các công việc để sớm thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Về việc tận dụng lợi thế từ EVFTA, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhấn mạnh đây là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản và nhiều hàng hóa khác vào thị trường có sức mua cao hàng đầu thế giới. Dù vậy, ông Hải cũng lưu ý DN xuất khẩu cần có sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và xuất xứ của thị trường EU. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, EVFTA sẽ là "cú hích" cho xuất khẩu Việt Nam khi các thị trường tăng cường nhập khẩu để bù đắp.
Tổ chức các điểm bán hàng lưu động
Ngày 5-4, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ký công văn yêu cầu các sở công thương tham mưu cho UBND tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với DN phân phối tổ chức điểm bán tạm thời, lưu động, dã chiến để bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian cách ly xã hội.
Bên cạnh đó, các sở công thương theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép tiếp tục hoạt động, tổ chức các điểm bán hàng lưu động. Trong trường hợp có khó khăn vướng mắc, cần kịp thời thông tin về bộ để phối hợp xử lý.
Bình luận (0)