Cuộc chiến cam go nhất, nguy hiểm nhất đang còn ở phía trước. Hơn lúc nào hết, tuyến đầu chống dịch đang cần sự chung tay, góp sức của tất cả đồng bào đang bình an. Sự bình an này có được và được giữ gìn bởi những y - bác sĩ đang ngày đêm chấp nhận hy sinh, cận kề hiểm nguy để chăm sóc bệnh nhân và tìm những giải pháp ngăn ngừa dịch lan ra cộng đồng. Lo lắng, cảm ơn là cảm xúc của số đông nhưng cần hơn nữa là những hành động thiết thực, những lời động viên kịp thời không chỉ cho các y - bác sĩ cùng những nhân sự điều hành tác chiến mà còn cho cả người nhà của họ và các bệnh nhân...
Nhìn những hình ảnh vui tươi, hoạt bát của các bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Đà Nẵng - nơi tâm dịch của lần này - càng thấy ấm lòng và cay mắt. Họ biết nơi đó là nguy hiểm nhất, dễ lây nhiễm nhất, khó khăn nhất. Họ vui tươi để chúng ta bớt sợ hãi, nhịp sống của xã hội nhẹ nhàng hơn và mọi người tin tưởng hơn vào cuộc chiến ngày càng gay cấn này. Họ bước vào vùng dịch với tâm thế "lương y như từ mẫu" mà không ngại ngần. Thực tế, có một số y - bác sĩ đã nhiễm bệnh nhưng điều này không làm chậm nhịp bước của những người còn lại hướng về vùng dịch.
Ngay ngày thứ hai xuất hiện các ca bệnh, 2.800 bạn trẻ ở Đà Nẵng đã tình nguyện hiến máu bất cứ lúc nào khi các bệnh viện điều trị Covid-19 cần. Hàng chục tấn nhu yếu phẩm đã được chuyển đến các bệnh viện, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đóng góp vật chất... Tiếp bước những anh chị tình nguyện từ đợt dịch trước, hơn 650 sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó có nhiều sinh viên ngành y, đã viết đơn tình nguyện sẵn sàng đi vào vùng có dịch, hỗ trợ các y - bác sĩ, các cơ quan chức năng. Đây là những bước khởi đầu cho nhiều chương trình rộng khắp hơn, mạnh mẽ và thiết thực hơn hướng về miền Trung thân yêu đang trong những ngày vất vả.
Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk... hay bất cứ nơi nào khác trên đất nước này đều cần sự đồng lòng chung sức chiến đấu với dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Những khó khăn về kinh tế - xã hội từ đợt dịch trước còn ngổn ngang, những hậu quả về sức khỏe, tinh thần còn di chứng thì nay dịch bệnh trở lại càng cần tinh thần quật khởi hơn, kiên cường hơn, vững tin hơn để sự yên bình mau chóng trở lại.
Càng khó khăn chúng ta càng cảm phục sự đoàn kết và tinh thần hy sinh của những người dân nước Việt. Góp đá thành núi, góp nước thành sông, từng người góp công để vượt qua nghịch cảnh là việc phải làm để giữ cuộc sống an toàn cho từng cá nhân, từng địa phương và cả nước. Điều đó càng làm cho người dân thêm vững tin, nâng cao ý thức chấp hành, các cơ quan hữu trách thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn, đất nước ta một lần nữa chiến thắng dịch bệnh hiểm nguy.
Bình luận (0)