Theo bà Hiền, không có một giải pháp chung áp dụng cho các tỉnh, thành, mà mỗi địa phương tùy theo điều kiện giao thông sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp. Hiện xe tuyến cố định chỉ có 18.344 nhưng xe hợp đồng là 222.783, gấp 12 lần. Khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại thì người dân phải chuyển sang phương thức khác như xe buýt hoặc xe hợp đồng. "Cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn. Do vậy, đề nghị các địa phương, nhất là các đô thị lớn, tổ chức những điểm đón trả khách trong đô thị nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi" - bà Hiền nói.
Một doanh nghiệp vận tải đón khách trên một tuyến đường ở quận 5, TP HCM Ảnh: THU HỒNG
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, khẳng định việc hợp đồng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe đón khách tại nhà và đặt chỗ bán vé cho từng khách hoặc xe đi ghép là "xe dù" theo hình thức vận tải tuyến cố định. Tình trạng này đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ùn tắc giao thông đã xảy ra ở TP HCM, TP Hà Nội và TP Đà Nẵng. Ngoài ra, do cạnh tranh không bình đẳng nên nhiều tuyến cố định đã bị dừng, giảm tần suất xe, dẫn đến các doanh nghiệp vận tải đang thua lỗ.
Việc xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình hiện nay là một công cụ rất hiệu quả. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đường bộ nhìn nhận tình trạng vẫn tồn tại xe dù, bến cóc có nguyên nhân từ rất nhiều khâu, trong đó có quy hoạch tại các đô thị lớn là bài toán không chỉ giải quyết trong một ngày. Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an), cho rằng hiện tượng xe dù, bến cóc và những xe khách sau khi xuất bến họ đi chậm, lòng vòng trên các tuyến để đón, trả khách sẽ phát sinh nhiều vi phạm. Để xử lý trực tiếp thì không đủ lực lượng, do đó phải xử lý qua hình ảnh để nâng cao hiệu quả về trật tự an toàn giao thông.
Bình luận (0)