Hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ đã thực hiện nhiều năm qua nhưng tình trạng tắc nghẽn khu vực cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) vẫn căng thẳng. Vấn đề cho thấy sự cần thiết phải đề cập đến hệ thống giao thông đường thủy.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Với lượng hàng hóa chiếm 89% khu vực phía Nam và 50% cả nước, các trục đường xung quanh cảng Cát Lái như Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công... thường xuyên trong tình trạng tắc nghẽn, nhất là thời điểm cuối năm và đầu năm. Sự căng thẳng tại khu vực này không chỉ làm ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội tại TP HCM mà còn với nhiều địa phương lân cận. Hàng loạt dự án mở rộng đường, xây cầu vượt... đã thực hiện từ nhiều năm qua nhằm giảm tình trạng ách tắc cho cảng Cát Lái và khu vực phía Đông TP HCM nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Các cung đường ra vào cảng Cát Lái thường xuyên trong tình trạng kẹt xe
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, nhìn nhận để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh cảng Cát Lái thì cần nhiều giải pháp đồng bộ. Tại khu vực này, dự án nút giao Mỹ Thủy (giai đoạn 1) mới cơ bản hoàn thành công trình hầm chui và dự kiến đưa vào khai thác ngày 30-1. Công trình cầu vượt (cũng thuộc dự án trên) sẽ xong trước ngày 30-4 và được kỳ vọng làm giảm tình trạng kẹt xe tại khu vực này. Tuy nhiên, theo ông Cường, vấn đề căn cơ là cần sự điều phối lại lượng hàng hóa ra vào cảng, chuyển từ đường bộ qua đường thủy để giảm áp lực hiện nay. Ông Cường dẫn chứng như tại tỉnh Bình Dương, hiện có cảng cạn (ICD) An Sơn, có thể tập kết các container tại những khu công nghiệp xung quanh để dùng sà lan trung chuyển tới cảng Cát Lái hoặc cảng Cái Mép - Thị Vải.
"Mỗi sà lan theo tiêu chuẩn chở được 50 container, tương đương 50 xe đầu kéo chạy trên đường. Vì vậy, nếu thực hiện tốt việc điều phối hàng hóa từ đường bộ qua đường thủy, áp lực giao thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực cảng Cát Lái sẽ giảm đáng kể" - ông Cường nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Cường cho biết hiện một khó khăn lớn đối với các phương tiện thủy có tải trọng lớn lưu thông trên sông Sài Gòn là dự án cầu sắt Bình Lợi (nối giữa quận Thủ Đức và Bình Thạnh) chưa hoàn thành. Cầu này có độ tĩnh không thấp và cũng đang thi công, nâng cấp nên ảnh hưởng rất lớn đến các luồng tuyến trên sông. Còn tại khu vực hướng về tỉnh Long An, hiện cũng có một số cầu cũ, độ tĩnh không chưa bảo đảm, như cầu Rạch Dơi, Rạch Tôm (huyện Nhà Bè)... đã hạn chế khả năng lưu thông của các phương tiện đường thủy. Tuy nhiên, những cầu này đã có chủ trương sử dụng ngân sách để đầu tư xây mới và sẽ tập trung triển khai trong năm 2018.
Quy hoạch thêm cảng cạn
Ông Phan Công Bằng, Trưởng Phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở GTVT TP HCM, cho biết lượng hàng hóa thông qua các cảng biển tại TP HCM từ năm 2010 tới nay tăng khoảng 5%-10% và luôn đứng đầu cả nước. Lượng hàng vẫn tập trung lớn nhất tại khu vực cảng Cát Lái, trong đó có tới 70% đến từ khu vực tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. TP HCM đang đề xuất lập các ban ICD, bao gồm nhiều cụm với chức năng trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy tới các cảng Cát Lái, Thị Vải - Cái Mép, Hiệp Phước nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Trong đó, theo ông Bằng, hiện TP xây dựng ICD Long Bình (thuộc phường Long Bình, quận 9 - giáp tỉnh Đồng Nai) với quy mô 50 ha, phục vụ cho việc di dời cảng Trường Thọ ở quận Thủ Đức và tiếp nhận hàng hóa từ khu vực Đồng Nai, cùng một phần thuộc Bình Dương để vận chuyển bằng đường thủy đi đến các khu vực Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép thông qua luồng sông Sài Gòn, Đồng Nai hoặc Nhà Bè. Đồng thời, một cụm ICD nữa (cụm An Sơn; nằm trên địa bàn xã An Sơn, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng có quy mô 50 ha, đang được nâng cấp để khai thác.
Ngoài ra, TP HCM đang đề xuất bổ sung một khu đất tại huyện Củ Chi với quy mô 15 ha, trước đó quy hoạch làm bến bãi vào quy hoạch tổng thể phát triển cảng cạn. Việc này nhằm tập kết hàng hóa, phục vụ cho các khu công nghiệp phía Tây Bắc huyện Củ Chi, TP HCM và tỉnh Tây Ninh, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi cho nhiều tỉnh khác về cảng Cát Lái như Bình Phước, Bình Dương... Bên cạnh đó, một ICD trên rạch Bà Cua giúp gom hàng hóa từ khu vực miền Tây Nam Bộ về Cát Lái.
"Tổng thể những giải pháp này cùng việc đẩy nhanh dự án nâng cấp cầu sắt Bình Lợi thì lượng hàng hóa tiếp cận cảng Cát Lái sẽ chia bớt từ đường bộ qua đường thủy, giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường xung quanh khu cảng" - ông Bằng kỳ vọng.
Giảm kẹt, tăng sự kết nối
Sở GTVT TP HCM cho biết để giảm tình trạng ùn tắc giao thông và nâng cao năng lực kết nối giữa TP HCM cùng các tỉnh lân cận, cần có giải pháp phát triển các phương thức vận tải cũng như cơ chế trong hỗ trợ thông tin. Theo đó, nhiều phương thức kết nối vận tải trong vùng hiện còn bất cập nên cần có kế hoạch tổng thể, bao gồm cả đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt cùng một số yếu tố liên quan đến hàng không. Giữa TP HCM cùng các tỉnh khu vực phía Nam cũng cần sự điều phối, phát huy thế mạnh của từng khu vực. Cụ thể, ở Đông Nam Bộ đang tập trung phát triển công nghiệp, Tây Nam Bộ là nông nghiệp thì TP HCM phải là trung tâm phát triển dịch vụ để tăng sự kết nối.
Dịch vụ cảng biển của TP cũng đang là một thế mạnh nên rất phù hợp để tiếp tục phát triển, là đầu mối liên kết vùng. Ngoài ra, giữa các địa phương cần có cơ chế phối hợp thông tin để điều phối chung trong vùng liên quan đến tình hình giao thông, hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông...
Bình luận (0)